Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính-Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách Nhà nước tại một số địa phương đạt thấp.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán. Bên cạnh đó, chi ngân sách ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển về số vốn đạt 65,2 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân đạt 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm ngoái (27,8%).
[Kho bạc Nhà nước: Thu ngân sách cân đối đạt trên 876 nghìn tỷ đồng]
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ tài chính đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Mặt khác, ngành đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.
Để đảm bảo các mục tiêu về tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2023 trong điều kiện nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề ra 8 nhóm giải pháp cụ thể.
Một là tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.
Hai là quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định. Từ đó, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Ba là kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, bao gồm các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của ngân sách Nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công.
Bốn là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Năm là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp.
Sáu là tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Bảy là nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ tăng cường và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cần phải đẩy mạnh.
Tám là chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm (2024-2026).
Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu toàn ngành phải thực hiện nghiêm việc điều hành chi ngân sách Nhà nước một cách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán; đặc biệt phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn vay ngoài nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.