Bổ sung thêm 3 cơ sở xử lý chất thải y tế tại địa phương

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa bổ sung 3 cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế tại Đồng Nai và Nam Định, nâng số cơ sở xử lý chất thải y tế lên 100 trên toàn quốc.
Chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi khám chữa bệnh, được chia thành các túi nylon theo mẫu quy định. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ngày 27/5, theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa bổ sung 3 cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế tại một số địa phương, nâng số cơ sở này lên 100 trên toàn quốc.

Ba cơ sở mới này gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Quốc Đại Thành (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Công ty Cổ phần Môi trường Tân Thiên Nhiên (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Công ty Cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Trước đó, danh sách 77 cơ sở thuộc diện xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại, tại hai tỉnh tâm dịch là Bắc Giang và Bắc Ninh đang có 6 cơ sở xử lý.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình cũng có 15 cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế.

Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, tình trạng chất thải y tế do dịch phát sinh mạnh, bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 2743/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

[Đề nghị các địa phương phối hợp xử lý chất thải y tế do dịch COVID-19]

Bộ cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường việc thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại địa phương để đảm bảo thực hiện quy định; trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế.

Các địa phương có cơ sở xử lý chất thải nguy hại cần tạo điều kiện hỗ trợ xử lý chất thải y tế khi có đề nghị từ các địa phương khác nhưng vẫn phải đảm bảo công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.

Các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép nhưng vẫn phải đảm bảo công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.

Bảo vệ môi trường phòng dịch

Theo Tổng cục Môi trường, kinh nghiệm từ đợt dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương cho thấy, 304,856 tấn chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đã được thu gom từ khi xảy ra dịch từ ngày 27/1 đến ngày 20/2/2021.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố đã chỉ đạo, giao đầu mối phụ trách thực hiện nhiệm vụ vệ sinh môi trường, xử lý chất thải tại các khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu dân cư phong tỏa.

Qua đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã triển khai công tác thu gom, phân loại, tập kết và ký hợp đồng chuyển giao chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 cho 2 đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh và Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường An Sinh.

Để đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã hướng dẫn hai công ty này xây dựng phương án, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, trong đó chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kế hoạch vận hành lò đốt chất thải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý...

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại các khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu dân cư phong tỏa để hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn dịch bệnh, báo cáo để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Khi dịch COVID-19 tại thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) diễn biến phức tạp, các điểm cách ly tập trung tăng nhanh, số lượng người cách ly lớn nên thiếu thùng lưu giữ chất thải tạm thời.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh hỗ trợ kịp thời 200 thùng chứa chất thải có nguy cơ lây nhiễm đặt tại các khu cách ly tập trung.

Một số doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Best Pacific Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt Pacific Crystal và Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Tinh Lợi đã hỗ trợ 350 thùng chứa rác thải để thu gom, xử lý rác thải tại các điểm chốt phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, cấp huyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục