Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 đã bổ sung nội dung phòng, chống tiêu cực vào thể lệ giải.
Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Giải quyết định bổ sung thêm nội dung phòng, chống "tiêu cực" vào thể lệ giải, cụ thể: sửa đổi, bổ sung tại Mục 1, phần nội dung của thể lệ giải.
Tác phẩm tham dự giải cần đáp ứng các nội dung sau: phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Các tác phẩm dự giải phản ánh vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
[112 tác phẩm sẽ được vinh danh ở Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần XV]
Các tác phẩm phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, thành tựu, kết quả, cách làm có hiệu quả của các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng đạo đức liêm chính; ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bên cạnh đó, tác phẩm dự giải có thể phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên cả nước trong thời gian tới; phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, các tác giả cũng có thể thông qua các tác phẩm báo chí để đề xuất những giải pháp, ý kiến tốt, có hiệu quả, nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và việc tổ chức thực hiện./.