Bổ sung những vấn đề cấp bách, tránh làm lỡ cơ hội phát triển

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục đầu tư thời gian, công sức để hoàn thiện thêm; lưu ý nghiên cứu bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, tránh làm lỡ cơ hội phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 8/12, tại Nhà Quốc hội, tại Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá sau cuộc họp của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội với các cơ quan hữu quan, tờ trình và báo cáo thẩm tra cũng như hồ sơ dự án luật đã được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nhấn mạnh rằng một luật sửa đổi nhiều luật liên quan đến cả hệ thống pháp luật, hơn nữa, đây là những nội dung rất khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục đầu tư thời gian, công sức để hoàn thiện thêm, đồng thời lưu ý nghiên cứu bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, tránh làm lỡ cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dự án được xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn nên chỉ xem xét những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết, được đánh giá tác động đầy đủ, kỹ càng; rà soát kỹ từng chính sách, từng luật phải sửa đổi, bổ sung; công tác chuẩn bị phải được tiến hành khẩn trương, khoa học và chặt chẽ; quy định chuyển tiếp thi hành phải rõ ràng để thuận lợi trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật; dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp nhưng hồ sơ vẫn phải đầy đủ…

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến Thường trực các Ủy ban cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

[Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Sau phần phát biểu của các đại biểu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương ban hành Luật sửa đổi một số điều của luật Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; đồng thời nhất trí trình Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định về dự án Luật này theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đối với dự án luật, giao Ủy ban Pháp luật dự thảo nghị quyết xin ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; đồng thời hoàn thiện thêm báo cáo đánh giá tác động bổ sung đầy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách, cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp, bổ sung dự thảo các văn bản hướng dẫn chi tiết kèm dự án luật, tiếp tục rà soát để đảm bảo các điều khoản sửa đổi tuân thủ Hiến pháp, đúng chủ trương của Đảng, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật và điều khoản chi tiết rõ ràng về cơ chế giám sát, cơ chế chịu trách nhiệm.

Về một số vấn đề khác, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để hoàn thiện. Cụ thể, đối với dự án Luật Đầu tư công, nghiên cứu thêm việc phân cấp, ủy quyền cho các dự án nhóm A sử dụng vốn ODA như đối với các dự án nhóm B, C; cân nhắc bổ sung thêm quy định trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thay đổi dự án đầu tư cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn và cũng cần làm rõ trách nhiệm phân cấp cho người đứng đầu các Bộ, ngành và trách nhiệm phân cấp cho chính quyền địa phương là khác nhau, cần được tách bạch.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, rà soát, sửa đổi đồng bộ với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công và chú ý các quy định về phân loại các dự án có liên quan đến hỗn hợp dự án ODA, vốn vay, vốn ưu đãi nước ngoài và một số nguồn vốn khác khác.

Đối với Luật Đầu tư, tại điểm C, khoản 1, Điều 75 sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở, tiếp tục rà soát để đảm bảo quản lý chặt chẽ đất đai theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tránh sơ hở dẫn đến trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí tài sản đất đai, tài nguyên quốc gia, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và của người dân cũng như nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, đồng thời đảm bảo quản lý tài sản công theo Luật Quản lý tài sản công.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư, cùng với ý kiến của Ủy ban Pháp luật đối với cơ quan thẩm tra, cần lưu ý thêm việc phân loại quy mô các dự án có liên quan đến dân số và quy mô về diện tích của dự án theo đúng các luật hiện nay quy định cho đảm bảo phù hợp. Cùng với đó là chú ý đến các dự án có liên quan đến vấn đề quản lý theo Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu sửa đổi, tiếp thu các quy định về sửa đổi, sửa chữa nhà chung cư để đảm bảo việc sửa chữa các khu chung cư cũ và đảm bảo quy hoạch tổng thể cải tạo các khu đô thị mới tại các đô thị đang xuống cấp.

Quang cảnh Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 8/12. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đối với Luật Đấu thầu, nghiên cứu thêm về thời điểm, nguyên tắc, điều kiện được thực hiện một số hoạt động trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Để tránh rủi ro, chỉ nên quy định thực hiện trước một số hoạt động khi đã cơ bản đàm phán xong hiệp định, chỉ còn thực hiện các thủ tục ký kết, đồng thời bổ sung thêm quy định ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt không phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết.

Đối với Luật Điện lực, tiếp tục rà soát thực hiện đúng theo chủ trương, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị để đảm bảo việc kiểm soát của Nhà nước đối với hệ thống truyền tải điện, làm rõ phạm vi giao cho tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện thuộc khu vực tư nhân, trách nhiệm và biện pháp của Nhà nước, trong đó có các quy định cụ thể về vấn đề vốn đầu tư cho mạng lưới điện; kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện, chính sách giá điện và các loại phí liên quan đến truyền tải điện để đảm bảo công khai, minh bạch công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, đảm bảo giá bán, giá mua điện, an ninh nguồn điện nói chung và việc bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư nhân đã đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu chưa làm rõ được các nội dung này và nhiều vấn đề đã nêu cụ thể trong Báo cáo thẩm tra thì tiếp tục đề nghị nghiên cứu để sửa đổi.

Đối với Luật Doanh nghiệp, về đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần làm rõ khái niệm doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng; bổ sung đánh giá cụ thể các khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành để nêu được sự cần thiết phải sửa đổi luật, nêu rõ lý do phải mở rộng đối tượng điều chỉnh cho các công ty đánh giá kỹ tác động khi sửa đổi luật.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuyết minh thêm sự cần thiết, tính cấp bách của việc sửa đổi, cơ sở tính toán và tính hợp lý của mức thuế suất, đánh giá cụ thể tác động chính sách đối với ngân sách và tác động đối với môi trường và phương thức xử lý khi pin hết thời hạn sử dụng; nghiên cứu thuyết minh thêm về việc áp dụng chính sách này đối với xe điện chạy pin, chú ý giải thích phân loại các xe điện chạy điện, chạy pin, hỗn hợp và các loại năng lượng khác.

Đối với Luật Thi hành án dân sự, nghiên cứu bổ sung thêm quy định để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người phải thi hành án, các trường hợp cần thiết phải tạm dừng việc xử lý tài sản gây ảnh hưởng khác và giải thích rõ thêm nội hàm của khái niệm thi hành án và ủy thác thi hành án

Ngoài các nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 528, ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, của cơ quan thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có điều kiện phát biểu, tiếp tục gửi ý kiến về cơ quan thẩm tra để Ủy ban Kinh tế thẩm tra và các nội dung tổng hợp, phối hợp với Ủy ban Pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền xin phép về các nội dung có liên quan cần thiết để trình cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.

Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình Xây dựng luật, nghị quyết năm 2021; đồng thời nhất trí trình Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định về dự án luật này theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục