Bổ sung hơn 424 tỷ đồng để Bộ Y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Quyết định nêu rõ, bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 của Bộ Y tế số tiền là 424.514 triệu đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng từ nguồn dự toán chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 như đề nghị của Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung nêu trên bảo đảm đúng quy định, đúng chế độ chính sách, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng, không để thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất đó là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.

bo truong y te Dao Hong lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo bà Lan, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, vì vậy trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Chính vì vậy, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.

Với tên gọi và ý nghĩa của việc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh", tại hội nghị, Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình. Các bậc phụ huynh coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các Sở, ban ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục