Ngày 16/7, Bộ Y tế tổ chức lễ trao bằng cho 106 bác sỹ trẻ chuyên khoa cấp I các khóa 10, 12,14,15 trong tổng số 354 bác sỹ đã được đào tạo Chuyên khoa cấp I tại 3 trường (Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y-Dược Huế và Trường Đại học Y-Dược Hải Phòng).
Đây là hoạt động thuộc Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo).
106 bác sỹ trẻ (gồm 6 bác sỹ được các bệnh viện trực thuộc Bộ tuyển dụng và cử đi đào tạo, công tác tại các huyện khó khăn; 100 bác sỹ do các huyện khó khăn cử đi đào tạo) thuộc 11 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, ngoại, nhi, nội, phụ sản, truyền nhiễm, răng hàm mặt truyền, y học cổ truyền, xét nghiệm.
[Bộ Y tế lập kế hoạch chủ động điều trị 100.000 bệnh nhân COVID-19]
Các bác sỹ được cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề sẽ tình nguyện công tác về 40 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái.
Các bác sỹ trên đã tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp I từ cuối năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Bộ Y tế chưa tổ chức bàn giao tuy nhiên các bác sỹ đã đến công tác tại các huyện khó khăn như đăng ký.
Như vậy, với 15 khóa bác sỹ trẻ đã tốt nghiệp, Dự án đã bàn giao 354 bác sỹ cho 82 huyện nghèo thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Chương trình này đã tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên...
Dự án được Bộ Y tế triển khai thực hiện vào tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Sau 7 năm triển khai, Dự án đã đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành trong thời gian 24 tháng theo hướng cầm tay chỉ việc.
Kết thúc khóa đào tạo, các bác sỹ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề sau đó công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện hoặc công tác lâu dài tại các huyện khó khăn đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo.
Kết thúc năm 2020, hoạt động đào tạo chuyên khoa I cho các bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia dự án bằng nguồn Dự án HPET đã kết thúc, tuy nhiên Dự án bác sỹ trẻ vẫn tiếp tục đào tạo mới các bác sỹ trẻ đủ điều kiện tham gia Dự án bằng nguồn kinh phí của Quỹ Thiện Tâm (thuộc tập đoàn Vingroup).
Ban quản lý Dự án 585 và Quỹ Thiện Tâm đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ đào tạo bác sỹ trẻ chuyên khoa cấp I cho các huyện khó khăn. Đây là cột mốc đánh dấu Dự án chuyển sang giai đoạn mới.
Thời gian qua, Ban quản lý Dự án 585 phối hợp với Quỹ Thiện Tâm đã tiến hành rà soát, khớp cung-cầu bác sỹ trẻ tham gia Dự án tại các huyện khó khăn. Dự kiến cuối tháng 7/2021, Dự án sẽ tổ chức Lễ khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp 1, đợt 1 cho 50 bác sỹ trẻ tình nguyện thuộc 32 huyện khó khăn của 8 tỉnh, nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực y tế là bác sỹ có trình độ cao, triển khai tốt các kỹ thuật chuyên môn sâu ngay tại y tế cơ sở./.