Ngày 17/6, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay đã có 129 hộ chăn nuôi bò sữa ở 2 xã Quảng Lập và Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) chấp nhận mức thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ bò chết, bò bệnh mà Công ty Navetco đưa ra.
Hiện Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) vẫn đang tiếp tục đến từng hộ chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại do tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục do công ty này cung cấp để thỏa thuận bồi thường.
Ông Vũ Đình Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho những người nuôi bò bị bệnh và bị chết ở xã Quảng Lập khoảng 1,4 tỷ đồng và ở xã Đạ Ròn là 8 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Navetco đã chuyển 50% số tiền trên đến các hộ chăn nuôi.
Trong 2 ngày 27/9 và 28/9 Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa do tiêm vaccine viêm da nổi cục (do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thành lập, gọi tắt là Tổ công tác 1337) phối hợp với Ủy ban Nhân dân 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã tổ chức lấy ý kiến của người chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại do tiêm vaccine viêm da nổi cục của Công ty Navetco.
Ngày 3/10, Tổ công tác 1337 đã họp và yêu cầu Công ty Navetco khẩn trương xây dựng Phương án bồi thường trên cơ sở ý kiến của người dân, đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành thương thảo với từng người chăn nuôi bị thiệt hại.
Từ ngày 14/10 Công ty Navetco bắt đầu cùng với Ủy ban Nhân dân các xã có bò bị bệnh, bò chết để tiến hành thương thảo cụ thể.
Kết quả tới ngày 17/10, các bên đã hoàn thành hồ sơ của 129 hộ đồng ý mức bồi thường trong tổng số 350 hộ có bò bệnh, chết.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về cơ bản các hộ dân khi thương thảo cũng chia sẻ thiệt hại với Công ty và đề nghị sớm thực hiện chi trả để tiếp tục khôi phục sản xuất.
Đối với trách nhiệm của ngành chức năng trong vụ việc trên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, đơn vị trực thuộc Sở là bên A thực hiện mua sắm, cấp phát vaccine cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Còn Công ty Navetco là bên B, thực hiện cung ứng vaccine tiêm phòng miễn phí cho người chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với vai trò là Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vaccine viêm da nổi cục thường xuyên làm việc với Công ty và các địa phương để hướng dẫn các hồ sơ bồi thường và tổ chức cho phía Công ty Navetco và người dân thỏa thuận đi đến giải pháp tốt nhất cho người chăn nuôi bị thiệt hại, đảm bảo việc bồi thường hỗ trợ thỏa đáng, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.
Để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất, ngày 11/10/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi các địa phương tiến hành rà soát tổng hợp thiệt hại tổ chức cho Công ty Navetco thỏa thuận với dân.
Đồng thời, Sở yêu cầu Công ty Navetco thực hiện bồi thường ngay khi có sự đồng ý thỏa thuận của người dân và có đầy đủ hồ sơ, không chờ việc tổng hợp hết các hộ trong thôn, trong xã. Các đơn giá, mức giá là việc thỏa thuận giữa phía Công ty Navetco và người chăn nuôi.
Cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ dân chưa thống nhất với mức bồi thường do Công ty Navetco đưa ra.
Ông Phạm Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) cho biết hiện nay nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị chính quyền địa phương xem xét mức bồi thường thỏa đáng cho bà con.
Cụ thể là các hộ không đồng ý với nội dung những con bò chết trước ngày 8/8 dù đã có xác nhận của địa phương, nhưng doanh nghiệp chỉ bồi thường từ 7-10 triệu đồng/con. Các hộ có bò chết yêu cầu phải bồi thường như những con bò chết sau ngày 8/8/2024.
Các hộ chăn nuôi kiến nghị đối với bò sẩy thai thiệt hại rất lớn cho hộ chăn nuôi, chi phí thuốc điều trị, chăm sóc con bò sẩy thai rất lớn và không thể bình ổn lại được như ban đầu. Đề nghị bồi thường thiệt hại chăm sóc và chi phí thuốc điều trị cho bò sẩy thai 12,5 triệu đồng/con bò. Chu kỳ sữa giảm nên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại chu kỳ sữa 16 triệu đồng/con.
Theo các hộ dân, mức bồi thường của Công ty đưa ra không đảm bảo tái đàn, từ đó gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Băn khoăn lớn nhất của các hộ chăn nuôi là theo Luật Thú y, vật nuôi tiêm vaccine sau 21 ngày sẽ không còn tồn dư vaccine trong cơ thể nên không được coi là bị ảnh hưởng của vaccine.
Bởi vậy, số bò bị bệnh, bị chết sau thời điểm này sẽ không được bồi thường, trong khi thực tế những con bò tiêm vaccine sau thời điểm trên vẫn đang tiếp tục ốm và chết.
Trước đó từ ngày 7/8/2024, phóng viên TTXVN liên tục thông tin về tình hình bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò sữa ở vùng trọng điểm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó thực hiện kế hoạch tiêm phòng phòng chống bệnh trên động vật của tỉnh Lâm Đồng năm 2024, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục Navet-LpVac của Công ty Navetco trên đàn bò sữa bắt đầu từ ngày 7/7/2024 đến ngày 2/8/2024 tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc với tổng số 9.126 con bò sữa được tiêm.
Sau khi tiêm phòng 7-10 ngày, trên đàn bò sữa xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, sốt, tiêu chảy và hàng trăm con bị chết. Sau khi có kết luận của Cục thú y, lãnh đạo công ty Navetco đã xác nhận sự cố bò phát bệnh tiêu chảy, bò chết trên địa bàn Lâm Đồng là do tiêm vaccine do Công ty Navetco cung cấp; Công ty này đã cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người chăn nuôi.
Vụ việc trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu hết các nông hộ này đều thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư cho đàn bò sữa với số tiền hàng tỷ đồng/hộ.
Thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến ngày 26/9/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 7.375 con bò mắc bệnh, 547 con chết, 584 con sảy thai do tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục do Công ty Navetco cung ứng.
Từ ngày 27/9/2024, ngành chức năng không tổ chức tổng hợp số liệu hàng ngày về tình trạng đàn bò sau khi tiêm vaccine nữa. Nên trong số 23 con bò chết sau thời điểm này, ngành chức năng đã lấy 23 mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm xác định bệnh.
Kết quả, có 8/21 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh tiêu chảy, 2 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm./.
Lâm Đồng: Chưa có phương án bồi thường hộ nuôi bò sữa bị chết do tiêm vaccine
Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện vẫn chưa thể công bố phương án bồi thường thiệt hại cho người dân nuôi bò sữa do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.