Thời gian qua, dư luận và đặc biệt là những phụ huynh có con học lớp 1 đã không khỏi lo lắng trước những nội dung còn nhiều "hạt sạn" của sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều.
Trước vấn đề này, bên hành lang Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ quan điểm.
Sai sót là khó tránh
- Thưa bà, thời gian gần đây, dư luận đã có những lo ngại về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là bộ sách lớp 1 mới đây, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Năm nay là năm đầu tiên chúng ta triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lần này có những điểm rất khác so với trước.
Cụ thể, thứ nhất, chương trình trở thành pháp lệnh và sách giáo khoa là một tài liệu. Thứ hai, chúng ta thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, có tới 5 bộ sách được đưa vào triển khai thực hiện.
Qua giám sát, đánh giá chung là sách giáo khoa lớp 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, qua một tháng áp dụng bắt đầu xuất hiện những vấn đề liên quan tới chất lượng sách và dư luận hiện nay đang tập trung vào bộ sách Cánh Diều. Như vậy có nghĩa là một trong năm bộ sách được quan tâm nhiều tới chất lượng khi có những điểm kia chưa đáp ứng được chất lượng.
Tôi nghĩ đây cũng là điều khó tránh khỏi, bởi có tới 5 bộ sách. Mọi người phân vân chất lượng sách giáo khoa như vậy có ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới hay không, tôi nghĩ rằng đương nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra là phải có những bộ sách tốt nhất. Tuy nhiên, việc này cũng khó tránh, bởi chúng ta đang thực hiện việc rất mới, do đó quá trình triển khai chắc chắn sẽ có những điểm phải rút kinh nghiệm.
Trước tình trạng sách giáo khoa lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có 1 số vấn đề thuộc về chất lượng nội dung, tôi thấy quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rõ ràng, là yêu cầu phải rà soát các điểm chưa phù hợp và yêu cầu những nhóm viết sách phải sửa đổi, điều chỉnh, trên cơ sở đó có hướng dẫn giúp cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện đúng để đáp ứng chất lượng.
Vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới dựa vào yếu tố quan trọng là quyền tự chủ của giáo viên. Đội ngũ giáo viên đang dạy lớp 1 cũng sẽ có cách để tiếp thu hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều chỉnh bài dạy sao cho đúng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Dư luận chỉ ra những điểm chưa được ổn trong sách giáo khoa cũng là dấu hiệu tốt, chứng tỏ xã hội đang rất quan tâm và kỳ vọng vào lần sửa sách này. Việc chỉ ra và sửa để có những bộ sách giáo khoa tốt nhất trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới cũng như bảo đảm quyền lợi của người học là điều cần hướng tới.
Việc xử lý cần thiết bây giờ là cố gắng đánh giá tổng thể việc triển khai chương trình sách giáo khoa toàn diện. Bên cạnh đó, nên tránh tâm lý hoang mang không cần thiết. Chúng ta phải thực sự bình tĩnh mới có thể tìm ra các giải pháp tháo gỡ để kết thúc năm học 2020-2021 tốt đẹp nhất.
Cần tăng thời gian thực nghiệm để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa
- Thưa bà, có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa của nhà nước là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để tránh tình trạng như vừa qua khiến dư luận bức xúc, chúng ta cần điều chỉnh gì cho phù hợp?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng. Chúng ta hy vọng thông qua xã hội hóa sách giáo khoa sẽ có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất. Bởi trong quá trình cạnh tranh, quyền lựa chọn thuộc về người dạy và người học là những người sử dụng sản phẩm. Trong sự cạnh tranh này, đương nhiên các nhóm viết sách giáo khoa, các nhà xuất bản cũng sẽ cố gắng hướng tới mục tiêu xây dựng những bộ sách giáo khoa tốt nhất.
Còn về phía các cơ quan quản lý nhà nước, tôi nghĩ trong thời gian qua cũng có những hoạt động thể hiện vai trò của mình, chẳng hạn như ban hành các văn bản có tính định hướng, có quy định cụ thể liên quan tới công tác biên soạn, công tác thẩm định và phát hành sách.
Việc triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1 cũng đã để lại những kinh nghiệm quý để thời gian tới bộ sẽ có thêm những hoạt động tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng như có hướng dẫn cụ thể hơn nữa cho các nhóm biên soạn sách giáo khoa tập trung nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Bộ cũng đã có các quy định để hội đồng thẩm định sách giáo khoa phát huy tốt nhất trách nhiệm của mình, để làm sao sản phẩm được thẩm định phải thể hiện được chất lượng tốt và trách nhiệm này thuộc về Hội đồng thẩm định.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có những hướng dẫn để làm sao các cơ sở giáo dục, giáo viên phát huy tốt nhất quyền tự chủ để họ có thể sử dụng sách giáo khoa với ý nghĩa là các tài liệu giảng dạy, còn chương trình là pháp lệnh. Đây là một trong những điểm mới mà công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải phát huy tốt hơn nữa.
- Một trong những nguyên nhân được chỉ ra của những sai sót trong bộ sách lớp 1 mà dư luận bức xúc thời gian qua là do việc thực nghiệm lần này quá ngắn, hay là do việc để cho các nhà xuất bản tự thực nghiệm. Trong khi đó bộ sách năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng ra thực nghiệm trước 2 năm. Có thể thấy thời gian vênh nhau rất lớn. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ rằng trong quá trình xây dựng các bộ sách giáo khoa thì hoạt động thực nghiệm là một trong những yêu cầu có tính chất bắt buộc. Nếu so sánh sẽ thấy có sự khác biệt giữa việc xây dựng chương trình sách giáo khoa năm 2000 với bộ sách giáo khoa lần này.
Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân đối với bộ sách giáo khoa năm 2000 là xây dựng bộ sách giáo khoa trước dạy thực nghiệm, sau khi đã dạy cuốn chiếu gần hết các lớp thì lúc đó mới bắt đầu hoàn thiện. Lúc đó sách giáo khoa mới được coi là pháp lệnh.
Song, trong lần đổi mới sách giáo khoa lần này, tôi xin nhắc lại, chúng ta đã thay đổi quan điểm là chương trình được coi là pháp lệnh còn sách giáo khoa là tài liệu giảng dạy. Từ điểm tiếp cận này, việc chúng ta hoàn thiện chương trình tổng thể bộ môn trước, trên cơ sở đó các nhóm biên soạn sách giáo khoa mới biên soạn.
Còn việc thực nghiệm ít dẫn tới các nội dung sách giáo khoa có thể sẽ chưa phù hợp khi áp dụng trong thực tiễn. Đây là một thực tế chúng ta đã chứng kiến đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 sau hơn một tháng triển khai thực hiện.
Tôi nghĩ rằng tăng cường thực nghiệm, mở rộng thực nghiệm trên diện rộng hơn, thời gian thực nghiệm nhiều hơn, nội dung thực nghiệm cũng phong phú hơn sẽ là yếu tốt giúp cho các bộ sách giáo khoa khi được triển khai thực tế sẽ phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn.
Từ bài học của các bộ sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là những cuốn sách qua 1 tháng triển khai thực hiện, người ta phát hiện ra những điểm chưa hợp lý thì chắc chắn các nhóm biên soạn sách giáo khoa cho lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5, tới lớp 12 sắp tới cũng sẽ phải tập trung nhiều hơn việc thực nghiệm nội dung, đặc biệt là các nội dung mới.
Về phía các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có yêu cầu cao đối với việc xem xét quá trình thực nghiệm sách và coi đây là một yếu tố có tính chất quan trọng để xem xét và duyệt, thẩm định các bộ sách nhằm bảo đảm đưa những bộ sách tốt nhất vào triển khai thực hiện.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.