'Bỏ rơi' hướng nghiệp, học sinh, phụ huynh lớp 9 lúng túng chọn môn

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chọn môn học sẽ được thực hiện ngay khi học sinh đăng ký nhập học lớp 10 vào trường, trước khi năm học mới bắt đầu.
Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không biết, không nắm rõ việc lên lớp 10 sẽ được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp chứ không bắt buộc phải học tất cả các môn như ở lớp 9 là chia sẻ của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay.

Mù mờ thông tin

Năm học 2023-2024 tới đây là năm thứ hai chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở bậc trung học phổ thông. Theo chương trình mới này, trung học phổ thông được xác định là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì thế, ngoài phần bắt buộc là các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và các nội dung học tập gồm Giáo dục địa phương, Giáo dục An ninh quốc phòng, Giáo dục thể chất, học sinh sẽ được chọn 4 trong số 9 môn học còn lại (gồm Vật lý, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công ngh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chọn môn sẽ được thực hiện ngay khi học sinh đăng ký nhập học lớp 10 vào trường, trước khi năm học mới bắt đầu. Học sinh có thể được đổi môn học nhưng chỉ được thực hiện sau khi kết thúc năm học và phải tự học bù kiến thức của môn học mới. Vì thế, việc đổi môn học là kéo theo rất nhiều khó khăn cho học sinh.

Đây là điểm khác biệt quan trọng so với chương trình cũ, khi học sinh phải học tất cả các môn học. Vì thế, học sinh và phụ huynh cần có sự định hướng nghề nghiệp sớm ở bậc trung học cơ sở để lựa chọn môn học phù hợp ngay khi bắt đầu học lớp 10.

Trong năm học 2022-2023, năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 10, việc học sinh, phụ huynh lúng túng với việc chọn môn đã diễn ra ở đa số các trường trên cả nước. Tình trạng này có thể sẽ tái diễn trong năm học tới khi hiện nhiều học sinh, phụ huynh khối 9 vẫn mù mờ về sự khác biệt của chương trình mới.

“Ở trường, các thầy cô chỉ tập trung ôn thi vào lớp 10. Em không biết việc lên cấp ba sẽ được chọn môn học nên nếu phải chọn môn, em cũng chưa biết nên chọn những môn nào,” Phạm Thu Hương (quận Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.

Có con năm nay học lớp 9, chị Nguyễn Minh Hồng (quận Gia Lâm, Hà Nội) bảo chị chỉ mới biết việc con sẽ phải chọn môn học khi vào lớp 10 khi nói chuyện với một đồng nghiệp nghiệp có con đang học lớp 10 và “đau đầu” vì con lỡ chọn nhầm môn.

Hiện nhiều học sinh, phụ huynh lớp 9 vẫn mù mờ thông tin về những đổi mới ở bậc trung học phổ thông. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

“Đến giờ, tôi vẫn không nhận được thông tin nào của nhà trường về vấn đề này trong khi lẽ ra các nhà trường nên thông tin tới học sinh, phụ huynh ngay từ đầu năm học để các con có sự tìm hiểu, định hướng từ sớm. Thời điểm này, con đang căng thẳng với việc ôn thi để mong đỗ lớp 10 nên cũng không còn thời gian, tâm trí đâu cho việc suy nghĩ chọn môn, đành để thi xong rồi tính tiếp,” chị Hồng chia sẻ.

“Đứt gãy” hệ thống trong đổi mới?

Theo lãnh đạo một số trường trung học cơ sở, học sinh lớp 9 đang học theo chương trình cũ và trong chương trình này không có nội dung tư vấn nghề nghiệp.

“Theo quy định, chúng tôi mới chỉ thực hiện việc phân luồng, nghĩa là tùy theo khả năng, trình độ của học sinh để tư vấn cho các em nên đăng ký dự thi vào các trường trung học phổ thông chuyên hay các trường trung học phô thông khác trên địa bàn, hay nên học nghề,” hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, thậm chí, không phải trường trung học cơ sở nào cũng nắm được sự đổi mới ở bậc trung học phổ thông.

Là một giáo viên dạy lớp 9 đồng thời có con năm nay dự thi vào lớp 10 nhưng cô Nguyễn Thị Hương (Thái Bình) tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin con mình sẽ phải chọn môn trong năm học tới.

[Lúng túng chọn môn tổ hợp lớp 10 theo chương trình mới]

“Tôi dạy bậc trung học cơ sở nên chỉ tìm hiểu chương trình mới ở bậc học này, không đọc kỹ chương trình ở bậc cao hơn. Nhà trường cũng không có thông tin nào tới học sinh, phụ huynh và giáo viên về sự thay đổi này,” cô Hương phân trần.

Cô Hương cho rằng việc thông tin sớm đến học sinh, phụ huynh là cần thiết bởi việc định hướng nghề nghiệp, chọn môn với học sinh lớp 9 còn khá mơ hồ nên cần thời gian dài hơn cho việc tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn, nhất là khi sự lựa chọn đó sẽ theo các con cả ba năm học.

Năm học này, Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh có khoảng 10 học sinh có nguyện vọng đổi lại môn sau khi học xong lớp 10. Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, việc đổi môn sẽ có nhiều khó khăn cho các em. Vì vậy, tốt nhất học sinh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn môn ngay từ lớp 10. Điều này đòi hỏi các em cần có sự chuẩn bị, tư vấn ngay từ lớp 9.

Rút kinh nghiệm từ thực tế này, năm nay, nhà trường đã tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh khối 9 về việc chọn môn khi các em lên lớp 10. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có lợi thế là trường liên cấp và nắm được chương trình mới của cả hai cấp học như trường Lương Thế Vinh.

Theo thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), ngành giáo dục cần có chỉ đạo chung để các trường trung học cơ sở đều thực hiện việc tư vấn, hay ít nhất là thông báo cho học sinh lớp 9 về sự đổi mới ở lớp 10 để các em có sự chuẩn bị, tránh sự đổi mới kiểu đứt gãy trong hệ thống, gây khó khăn cho học sinh và nhà trường trong vấn đề chọn môn ở bậc trung học phổ thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục