Một cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ước tính tốc độ tăng GDP quý 2 của Mỹ có thể là vấn đề kinh tế trọng tâm trong tuần này với các thị trường có thể lần đầu tiên trong nhiều tháng “sao nhãng” khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.
Sau một loạt hội nghị khẩn cấp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nước này đã nhận được một khoản tín dụng bắc cầu 7,2 tỷ euro (7,9 tỷ USD) và thông qua một loạt biện pháp được thiết kế để thuyết phục các chủ nợ quốc tế nhất trí cấp gói tín dụng cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD).
Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Mina Andreeva cho biết ngày 27/7 đại diện của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tới Athens để đàm phán với đại diện của Chính phủ Hy Lạp về gói cứu trợ thứ ba.
Trong khi đó, Ủy ban Thị trường Mở của Fed sẽ nhóm họp trong hai ngày 28-29/7.
Các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ không tăng lãi suất cho đến tháng Chín khi cơ quan này dự định tổ chức cuộc họp báo, không như trong tháng Bảy này khi chỉ đưa ra thông báo. Tuy vậy, Chủ tịch Fed Janet Yellen cảnh báo tất cả cuộc họp đều có ý nghĩa quan trọng với khả năng có thể đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất vào bất kỳ thời điểm nào.
Dự kiến, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,7% trong quý 2 (với số liệu ước tính ban đầu sẽ công bố trong ngày 30/7 tới), sau khi sụt giảm trong quý đầu của năm 2015.
Theo nhà kinh tế trưởng Rob Carnell tại ING, GDP của Mỹ sẽ đủ mạnh để không làm chậm kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ trong tháng Chín tới.
Trong khi đó, số liệu về tình hình kinh tế Vương quốc Anh dự kiến công bố trong ngày 28/7 sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu hồi phục sau khi bất ngờ suy giảm hồi đầu năm 2015 và tăng trưởng 0,7% trong quý 2.
Hiện tại, kinh tế Vương quốc Anh đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế hàng đầu khác trong năm thứ hai liên tiếp nhưng sự hồi phục này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chi tiêu tiêu dùng thay vì hoạt động chế tạo.
Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) sẽ nhóm họp vào tuần tới với dự kiến không có sự thay đổi lãi suất, mặc dù ý kiến tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) của nước này có thể dẫn tới sự không thống nhất giữa các thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE về chính sách lãi suất trong năm 2015./.