Chiều 18/6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021).
Giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ
Trao đổi tại họp báo, liên quan đến quy định về văn bằng, chứng chỉ, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tư Long cho biết ngày 11/6, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc tuyển dụng cũng như trong quá trình thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính.
Thông tư này nhận được sự đồng tình của dư luận, đặc biệt là sự hưởng ứng của đại bộ phận đội ngũ công chức hành chính.
“Chúng ta đang thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp thì đồng thời cũng phải cắt giảm những thủ tục hành chính, quy định rườm rà đối với đội ngũ công chức, viên chức, giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ, học hành không cần thiết,” ông Nguyễn Tư Long nói.
[Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp]
Theo ông Tư Long, hiện chúng ta đang hướng đến quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đối với mỗi vị trí việc làm sẽ có yêu cầu trình độ tương ứng, do đó, sẽ giảm được rất nhiều hệ quả của văn bằng, chứng chỉ. Ví dụ, một người làm ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh B1, B2 nhưng lại vẫn bắt họ đi học sẽ dễ dẫn đến hệ quả là mua văn bằng, chứng chỉ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
“Giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ là giảm hệ quả cho đội ngũ cán bộ, công chức khi bắt buộc phải làm những việc không cần thiết,” ông Tư Long nói.
Mặc dù chưa có tính toán cụ thể về lợi ích kinh tế, song, ông Tư Long cho rằng chi phí đi học để có được một văn bằng chứng chỉ thông thường từ 2,5-3 triệu đồng. Công chức hành chính hiện có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 200.000 người sẽ phải đi hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ trong thời gian còn lại. Như vậy, việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học.
Giải thích về việc Thông tư số 02/2021/TT-BNV chỉ điều chỉnh đối với các ngạch chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, ông Nguyễn Tư Long cho hay theo quy định phân cấp hiện nay, đội ngũ công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ, đội ngũ công chức chuyên ngành khác và đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành.
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo các Bộ khẩn trương rà soát các thông tư quy định tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ, đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì đề nghị cắt giảm, đối với những chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phải tích hợp lại theo hướng thu gọn nhất.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, khi có vị trí việc làm và công chức đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đăng ký dự thi nâng ngạch, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không phải là điều bắt buộc để đăng ký. Việc đi học để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao trình độ tay nghề là rất tốt. Hiện nay, các công chức ở bộ, ngành Trung ương nếu không sử dụng được máy vi tính sẽ không làm được việc, đương nhiên họ phải hoàn thiện, đó là nhu cầu tự thân.
Thu hồi quyết định bổ nhiệm “thần tốc” nữ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc 31 tuổi
Thông tin về việc bổ nhiệm “thần tốc” nữ Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc 31 tuổi, ông Nguyễn Tư Long cho biết tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi quyết định bổ nhiệm này đối với bà Trần Huyền Trang.
“Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành văn bản để rút lại các quyết định bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Theo thông tin chúng tôi được biết từ Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 647 ngày 17/3/2021 về việc này và được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá kịp thời để xử lý sai phạm,” ông Long nói.
Theo Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ tư của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 16/6 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiêm túc thực hiện kết luận, khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm; kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo kết luận của cơ quan này.
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc xe có gắn chữ “Bội Nội vụ” là hoàn toàn sai
Trao đổi về việc vừa qua ở Cần Thơ và một số tỉnh xuất hiện xe biển trắng gắn chữ Bộ Nội vụ/Quỹ nhân ái người cao tuổi/ Xe cứu trợ cứu nạn khẩn cấp lưu thông, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết ngay sau khi nhận được thông tin này, ông đã trực tiếp báo cáo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người trực tiếp phụ trách công tác quản lý về Hội về nội dung này.
Thứ trưởng đã có những chỉ đạo bằng công tác nghiệp vụ để tìm ra chủ xe, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về hội.
Theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Bộ Nội vụ sẽ ra quyết định thành lập các tổ chức hội theo đề nghị của các ban vận động (đã có phân cấp), phê duyệt điều kiện thành lập hội.
Bộ không trực tiếp tổ chức điều hành hoạt động của các hội. Các hội hoạt động trong khuôn khổ điều lệ của mình. Việc xe có gắn chữ “Bội Nội vụ” là hoàn toàn sai.
Việc gắn biển đi làm công tác xã hội từ thiện không phải là việc của Bộ Nội vụ mà là việc của tổ chức hội đó. Việc này có gắn với quản lý nhà nước ở từng địa phương, trên địa bàn. Tổ chức hội hoạt động trên địa bàn nào, địa phương đó quản lý về mặt nhà nước.
“Bộ Nội vụ không làm việc đó. Đây hoàn toàn là mạo danh. Chúng tôi đã có biện pháp xử lý theo nghiệp vụ và sẽ thông tin để trả lời báo chí khi có kết quả,” người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định./.