Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc báo cáo bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y bước đầu kết luận (do hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập virus, giải trình tự gene và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới để xác định chính xác) nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO.
Pestivirus tauri (BVDV type 2) là chủng virus có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò. Bò sữa khi nhiễm Pestivirus tauri kèm thêm nhiễm vi khuẩn Clostridium và E.coli sẽ có biểu hiện bệnh nặng và dễ bị chết hơn so với những con bò khác.
Bệnh tiêu chảy do virus ở bò (Bovine Viral Diarrhoea-BVD) hay còn có tên gọi khác là bệnh tiêu chảy có màng nhày do virus ở bò (Bovine Viral Mucosal Diarrhoea, xảy ra ở bò nhiễm virus mạn tính) là bệnh truyền nhiễm do loài Pestivirus thuộc họ Flaviviridae gây ra.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), hiện nay có 3 type Pestisvirus gồm: Pestisvirus bovis (BVD type 1), Pestisvirus tauri (BVD type 2) và Pestisvirus brazilense (BVD type 3). Bệnh xảy ra chủ yếu trên bò sữa, loài nhạy cảm với thay đổi môi trường nuôi dưỡng, thời tiết và có sức đề kháng yếu hơn so với bò thịt, bò bản địa.
Số liệu báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho thấy việc sử dụng kịp thời, có hiệu quả pháp đồ điều trị tình hình dịch bệnh trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng bước đầu đã được kiểm soát tốt, số bò bị bệnh và số bò chết đã giảm mạnh từ ngày 8/8 vừa qua. Số lượng bò sữa bị bệnh tiêu chảy đã được điều trị, phục hồi tốt.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong ngày 15/8 (từ 16 giờ ngày 14/8 đến 16 giờ ngày 15/8) thêm 89 con nhiễm bệnh; số bò phát sinh bệnh trong ngày tăng 3 con so với ngày 14/8; thêm 11 con bị chết (giảm 11 con với ngày14/8). Trong ngày 15/8, số bò đã hồi phục sau điều trị 35 con (huyện Đức Trọng có 35 con; Đơn Dương chưa thống kê mới được số liệu hồi phục).
Qua đánh giá rà soát sơ bộ, số lượng bò có dấu hiệu hồi phục cơ bản đang dần tăng tại các địa phương. Lũy kế đến nay, có 5.739 con bệnh; 291 con bị chết; 593 con bò hồi phục, không còn các triệu chứng của bệnh (gồm Đơn Dương 156 con; Đức Trọng 408 con và Lâm Hà 29 con).
Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, việc tổ chức tiêm vaccine NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được thực hiện từ ngày 19/6 đến ngày 2/8 vừa qua. Tổng cộng, Lâm Đồng đã tiêm cho 35.002 con bò; trong đó có 25.876 con bò thịt, 9.126 con bò sữa./.
Vụ bò sữa chết ở Lâm Đồng: Xác nhận chỉ có bò tiêm vaccine mới mắc tiêu chảy
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xác nhận toàn bộ số bò sữa bị tiêu chảy đều nằm trong số bò sữa được tiêm vaccine phòng viêm da nổi cục, dự kiến tuần này có kết quả điều tra.