Chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các thành viên Tổ biên tập.
Hội nghị có sự tham dự của các vị nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo và đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Văn phòng Trung ương, cùng thủ trưởng các đơn vị và các chuyên gia, cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ đối với dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại của đất nước thời gian tới.
Các ý kiến nhất trí dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, cơ bản kết tinh được trí tuệ và những kết quả của tổng kết thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời vừa kế thừa những nội dung đã được nêu trong văn kiện các Đại hội trước, vừa có nhiều phát triển phù hợp với thực tiễn và đổi mới tư duy đối với các vấn đề trọng đại của đất nước, trong 5-10 năm tới, trong đó có đối ngoại.
Hội nghị nhất trí tình hình thế giới và khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển biến sâu sắc, rất nhanh với tính chất phức tạp, khó lường gia tăng trong thời gian tới, nhất là trước những tác động sâu rộng của đại dịch toàn cầu COVID-19.
Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp đánh giá môi trường quốc tế và khu vực, các xu thế lớn, kinh tế thế giới, tác động của sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quan hệ quốc tế, xu thế toàn cầu hóa, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... cùng những cơ hội và thách thức đặt ra đối với Việt Nam.
[Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII]
Các nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ, đường lối đối ngoại đã được các đại biểu trao đổi sâu rộng nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Các ý kiến đều nhất trí, cùng với quốc phòng và an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Theo đó, ngành Đối ngoại cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị cũng trao đổi các nội dung cụ thể trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Để triển khai thành công, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, sáng tạo, thích ứng năng động trước những chuyển biến mới của tình hình, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của ngoại giao truyền thống, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và phù hợp với những phát triển mới của tình hình thế giới, khu vực.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm tập hợp trí tuệ của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các bộ, ban, ngành và các chuyên gia, các cán bộ, đảng viên... tham gia vào xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và đất nước, trong đó có lĩnh vực đối ngoại.
Tiến trình góp ý cho dự thảo các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thể hiện rõ tinh thần phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, qua đó tạo thống nhất về nhận thức, tư tưởng và đóng góp vào việc hoạch định đường lối của Đảng ta, trong đó có đường lối đối ngoại.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để tổng hợp góp ý cho Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.