"Bộ luật Hình sự nên thêm tội danh tham nhũng nhà công vụ"

"Bộ luật Hình sự nên có thêm tội danh tham nhũng nhà công vụ"

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, có lẽ đã đến lúc cần đưa thêm vào Bộ luật Hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ" vì đây là tài sản quốc gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Ngày thứ hai của phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội (31/10), vấn đề nhà công vụ được nhiều đại biểu quan tâm. Bên lề Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng (đại biểu đoàn Quảng Trị): Chưa ai xử lý tham nhũng nhà công vụ

Khi thảo luận về Luật Nhà ở nhiều ý kiến tỏ ý bức xúc về nhà công vụ. Cụ thể tính đến tháng Chín vừa qua, hiện nay đang có trên 1 triệu m2 nhà ở công vụ trong đó có hàng trăm biệt thự, hàng chục ngàn căn hộ chung cư, nhà liền kề… Mặc dù đã có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao gương mẫu trả lại biệt thự công vụ nhưng vẫn còn không ít người đã tự cho mình quyền sử dụng vĩnh viễn, biến nhà công vụ thành tư vụ.

Các biệt thự công thường ở các vị trí đắc địa nhưng trong quá trình sử dụng, nhiều người đã chia cắt, sửa sang nên nhà công vụ bị biến dạng, biến thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ, có biệt thự công nằm vùng lõi di sản, không giải tỏa được.

Nếu Chính phủ có chính sách hợp lý, có thể thu hồi, bán đấu giá thì số lượng nhà công vụ này sẽ ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách, có thể chống thất thoát, mỗi năm, sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Từ đó Nhà nước sẽ có nguồn cải cách tiền lương, đỡ lỗi hẹn với cử tri như mấy năm qua.

Có lẽ đã đến lúc cần đưa thêm vào Bộ luật Hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ" vì đây là tài sản quốc gia. Từ trước đến nay chưa ai bị xử lý về việc tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỷ đồng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổng thanh tra Chính phủ cùng chia sẻ về việc này trước Quốc hội.

Không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác và tôi đề nghị Nhà nước nên tập trung đầu tư nhà công vụ cho cán bộ vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, cho bác sĩ, giáo viên đi làm nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Chưa trả nhà công vụ không thể coi là chiếm đoạt

Nhà ở công vụ hiện nay số lượng rất lớn. Chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức trong đó có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công chức, viên chức… được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ nhưng không có điều kiện, khả năng mua nhà có chỗ ở trong thời gian công tác.

Trong số này có cả những bác sỹ, giáo viên, quân nhân… nhận luân chuyển công tác đến vùng sâu, vùng xa. Như vậy, họ phải có nhà để ở và ổn định cuộc sống. Chính sách này rất đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện cũng còn một số trường hợp chưa đảm bảo đúng mục đích theo qquy định về loại hình nhà ở này.

Trước đây, Bộ Xây dựng chỉ quản lý 180 nhà công vụ, số lượng bằng 1,4% tổng số nhà công vụ cả nước. Gần đây, Bộ Xây dựng mới được giao quản lý nhà công vụ của Chính phủ và cũng đã có báo cáo về thực trạng, sự bất cập và nguyên nhân tình hình quản lý quỹ nhà ở này.

Theo khảo sát, có những trường hợp đã hết thời gian công tác, có nhà ở rồi nhưng vẫn không trả lại nhà công vụ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hết thời gian công tác nhưng lại không có nhà để ở do bản thân không tự tạo lập được nhà ở nên họ vẫn sống tại nhà công vụ. Đây chính là những “lỗ hổng” mà pháp luật cần phải có quy định cụ thể hơn.

Từ thực trạng này, năm 2013, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và đã có thông tư quy định, tiêu chuẩn về đối tượng, nhà ở để hướng dẫn các địa phương thực hiện, có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, các chủ nhà không còn công tác nữa nhưng vẫn không giao nhà thì Bộ Xây dựng sẽ làm công văn yêu cầu họ phải trả lại nhà cho nhà nước.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị trong Luật nhà ở có một chương quy định về nhà công vụ. Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về đối tượng, loại nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của nhà nước để các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở thì được mua loại nhà này để đảm bảo công bằng.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng, những trường hợp không trả nhà công vụ trong thời gian qua thì không thể nói là họ chiếm đoạt được mà ở đây chỉ là vấn đề ý thức thôi. Họ chưa giao có thể do chúng ta nữa. Nhà nước có thể đứng ra thu lại nhưng Nhà nước chưa thu thì cũng không thể nói họ chiếm đoạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục