Theo Bộ Luật Lao động, Việt Nam có tổng số ngày nghỉ lễ của Việt Nam trong năm là 10 ngày. Tuy nhiên, do những ngày nghỉ lễ gần vào dịp cuối tuần và việc hoán đổi ngày ngày làm việc nên có nhiều dịp nghỉ lễ kéo dài 4-5 ngày thậm chí 9-10 ngày. Những dịp nghỉ lễ dài này khiến nhiều người lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Dự kiến năm 2017 nghỉ 21 ngày
Ở Việt Nam, Bộ Luật Lao động quy định một năm có tổng cộng 10 ngày nghỉ lễ gồm: Tết Âm lịch là 5 ngày, còn lại các dịp Tết Dương lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9 thì mỗi dịp nghỉ 1 ngày.
Theo tờ trình về số ngày nghỉ lễ, Tết năm 2017 vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, dự kiến nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày, nghỉ Tết Nguyên đán là 7 ngày, nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương là 4 ngày, nghỉ dịp Giải phóng miền Nam (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) là 4 ngày, nghỉ Quốc khánh 2/9 là 3 ngày. Như vậy, năm 2017 sẽ có tổng 21 ngày nghỉ, trong đó có 10 ngày nghỉ lễ, 10 ngày nghỉ cuối tuần và một ngày nghỉ hoán đổi ngày làm việc.
Như vậy, nếu tính tổng số ngày nghỉ của các dịp nghỉ lễ thì số ngày nghỉ lên tới 21 ngày là tương đối nhiều, tuy nhiên nếu không tính những ngày nghỉ trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật thì một năm người lao động ở nước ta được nghỉ lễ, Tết tổng cộng là 10 ngày. Các chuyên gia cho rằng so với nhiều nước trên thế giới, số ngày nghỉ lễ là 10 ngày của nước ta không phải là quá nhiều.
Một số quốc gia/vùng lãnh thổ có số ngày nghỉ lễ trong năm trên 10 ngày như: Campuchia nghỉ tới 27 ngày; Lào nghỉ lễ 12 ngày; Ấn Độ 21 ngày; Philippines 18 ngày; Trung Quốc 17 ngày; Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ 16 ngày; Nhật Bản, Malaysia, Thụy Điển nghỉ 15 ngày; Mỹ nghỉ 10 ngày…
Những kỳ nghỉ lễ dài trong năm là dịp để người lao động nghỉ ngơi, giải quyết các công việc gia đình, đi du lịch, tham gia vào các lễ hội, gặp mặt bạn bè, họ hàng… Nghỉ lễ cũng là dịp nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nghỉ nhiều cũng kèm theo những nỗi lo lắng về việc sẽ làm ít đi.
Số ngày làm việc thực chất không đổi
Mặc dù ngày nghỉ lễ 10 ngày là không nhiều, nhưng những dịp nghỉ lễ, Tết kéo dài 4-5 ngày, thậm chí 9-10 ngày do nghỉ bù dịp cuối tuần, nghỉ hoán đổi khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong bố trí sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng những dịp nghỉ lễ dài là nguyên nhân dẫn tới việc năng suất lao động thấp.
Ông Mai Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hải Dương cho biết nhưng dịp nghỉ dài, doanh nghiệp phải tăng ca cho kịp tiến độ đơn hàng, phải bồi dưỡng thêm, tiền lương, tiền công cho lao động cũng cao hơn. Chẳng hạn năm 2016 vì lịch nghỉ Tết dài công ty phải tăng ca liên tục để kịp giao hàng trước Tết, công nhân phải làm đêm rất mệt mỏi, nguy hiểm.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: “Tổng số ngày nghỉ dịp lễ, Tết cả năm của Việt Nam khoảng 20 ngày nếu so với thế giới thì không nhiều. Tuy nhiên, nếu so với thực tế đất nước thì nghỉ như vậy dài và lãng phí, năng suất lao động thấp lại nghỉ nhiều rất mâu thuẫn.”
Trong khi nhiều ý kiến lo lắng về các dịp nghỉ lễ dài thì đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải rằng thực tế số ngày làm việc và ngày nghỉ trong năm không thay đổi, việc nghỉ lễ dài là do nghỉ bù và hoán đổi ngày nghỉ tránh tình trạng ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, việc hoán đổi ngày làm việc để có kỳ nghỉ liên tục được thực hiện từ năm 2010 với mục đích giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt, đây là hoán đổi ngày nghỉ nên tổng số ngày đi làm trong năm vẫn giữ nguyên, không ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nghỉ lễ dài ngắn không quan trọng bằng việc người lao động bắt nhịp với công việc thế nào khi quay trở lại làm việc. Nếu ngày làm việc xen kẽ với các dụp nghỉ lễ thì năng suất lao động, chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng khi Chính phủ đã công bố lịch nghĩ rõ ràng hàng năm thì doanh nghiệp có thể bố trí lịch sản xuất, kinh doanh cho hợp lý. Với cơ quan nhà nước, những bộ phận liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bố trí người trực để giải quyết công việc cần thiết.
“Quan trọng là sau khi đi làm lại phải làm nghiêm túc, không phải đi làm mà vẫn còn tranh thủ chúc tụng, đi chùa chiền,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh./.