Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn còn “nợ” 3 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, đây chủ yếu là những nội dung cần sự tham gia, góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị nên chưa hoàn thành đúng hạn.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành ảnh 1Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn còn “nợ” 3 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Đây chủ yếu là những nội dung cần sự tham gia, góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị nên quá hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong buổi làm việc ngày 19/5 giữa Tổ công tác của Thủ tướng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao.

Chưa hoàn thành ba nhiệm vụ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng cho biết, trước yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác vào tháng 8/2016. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị thứ 24 được kiểm tra, với yêu cầu tất cả các nhiệm vụ đều được kiểm tra, đánh giá, đôn đốc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã được Chính phủ giao 483 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 373 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và 3 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Tổ công tác đề nghị Bộ giải trình, làm rõ về 3 nhiệm vụ​ này.

Chính phủ giao Bộ hoàn thiện, ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin hạn là ngày 28/2/2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Lý giải cho việc chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin là vấn đề mang tính khoa học, công nghệ. Đây là vấn đề mới, phức tạp, trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng, do có một số lý do khách quan nên tới nay vẫn chưa hoàn thành.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo Cục Người có công phối hợp với Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) giải quyết dứt điểm việc nghiên cứu, ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin theo quy định.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Nghị định về cai nghiện tự nguyện trong quý 1 nhưng chưa hoàn thành, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ đã có Công văn 1199/LĐTBXH-PCTNXH ngày 31/3/2017 gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định. Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến để trình Chính phủ.

“Còn một quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em đã hoàn thiện dự thảo và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 22/5 tới,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ​cho biết.

8 nhóm vấn đề trọng tâm

Tại buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm, làm rõ 8 vấn đề mà Bộ đang được giao là quản lý nhà nước phụ trách.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành ảnh 2Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, tặng quà cho các đối đối tượng chính sách. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng lưu ý vấn đề chính sách người có công, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi… Bộ khẩn trương, nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công.

Công tác dạy nghề đã được quan tâm đầu tư với ngân sách rất lớn, nhưng chưa đạt hiệu quả so với kỳ vọng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với nhóm vấn đề lao động, việc làm, tiền lương thì tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường… đang cần được quan tâm giải quyết. Đồng thời, các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương rất cần sự nhất trí, đồng thuận của người dân để bảo đảm khả thi. Do đó, Chính phủ đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, quỹ bảo hiểm xã hội…

Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại thân thể trẻ em đang được dư luận xã hội rất quan tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ cần có nhiều giải pháp ngăn ngừa. Đây là vấn đề xã hội nhức nhối, liên quan tới luân thường đạo lý, vừa qua đã xảy ra ở nhiều địa phương như Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Cà Mau…

Vấn đề quản lý các cơ sở cai nghiện hiện nay cũng đang rất phức tạp. Việc đưa người đi cai nghiện theo quy định mới phải có phán quyết của tòa án nên có nhiều thay đổi trong công tác ​này.

​Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ cần có giải pháp kiềm chế tai nạn lao động. Theo thống kê của Cục An toàn lao động, năm 2016 cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 862 người chết, hơn 1.900 người bị thương.

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu lao động, hiện nay Bộ quản lý các công ty xuất khẩu lao động, người lao động. Chính phủ yêu cầu Bộ chú ý công tác thanh tra, kiểm tra các công ty, nắm bắt tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời bảo hộ, can thiệp khi lao động gặp rủi ro.

Cuối cùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017 là kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ và có ý nghĩa rất lớn, mang tính chất tri ân những người có công. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ sớm đề xuất để tổ chức các hoạt động kỷ niệm xuyên suốt, tạo động lực cho toàn dân chăm lo, tri ân người có công.

Đối với những nhiệm vụ được giao của ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây đều là những vấn đề xã hội rất bức xúc, mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc thực hiện giải quyết những vấn đề này.

“Bộ sẽ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta phải biết xấu hổ khi người ta đổi mới mà mình lại ‘dậm chân tại chỗ’,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục