Bộ KHĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế-xã hội của năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế cần phấn đấu tăng trưởng quý 3 đạt từ 6,5% đến 7,4%, nhằm tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ quan điểm thận trọng và cho rằng những khó khăn, thách thức trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. (Ảnh: PMI/Vietnam+)

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.

Thứ nhất là khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. trong đó lưu ý tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước…

Thứ ba là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát.

Thứ Tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng.

Thứ năm là chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường...; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Thứ sáu là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Thứ bảy là tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Thứ Tám là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bên cạnh đó khẩn trương hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã quá hạn, khắc phục tình trạng nợ đọng các nhiệm vụ được giao; đặc biệt là kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội bảy tháng qua, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận kinh tế trong nước ghi nhận sự phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng và được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ quan này vẫn giữ quan điểm thận trọng và cho rằng những khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn và các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Do đó, ông nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng quý 3 đạt 6,5%-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Dự báo tình hình thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tạo áp lực lên điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong nước, song vẫn có cơ hội và thời cơ đan xen. Những yếu tố này cần được khai thác hiệu quả để tạo sự chuyển biến rõ nét cho các động lực tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành và đạt cao hơn nữa mục tiêu kế hoạch năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025.

Trên nền tảng đó, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm, thực hiện toàn diện, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, Công điện số 71/CĐ-TTg, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục