Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế-xã hội cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Trần Quốc Phương, Việt Nam cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số,” ngày 6/12, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19.
Thí điểm mở cửa các loại hình dịch vụ
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Vì vậy, ông cho rằng nhóm mục tiêu hàng đầu là thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống COVID-19, đảm bảo triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch đồng thời rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí.
Để làm được điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết cần thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông cho rằng phải thống nhất các quy định về đi lại của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ cũng như bảo đảm sản xuất an toàn.
Mặt khác, nhóm chính sách nữa là hướng trọng tâm thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch cũng như ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở-dự phòng và hiện đại hóa ngành y tế.
Nhóm giải pháp kế tiếp là ổn định an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động. Theo thứ trưởng Trần Quốc Phương, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể hơn trước đây, như hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, hỗ trợ phù hợp người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh hay chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh-sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua-thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cần hướng đến các lĩnh vực ưu tiên
Đối với khu vực doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mục tiêu của chính sách cần có tính khả thi, kịp thời, hiệu quả và trọng tâm đồng thời phải có tác động trong trung và dài hạn.
Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, cơ cấu nợ như trước đó, gói chính sách đề xuất việc điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp đồng thời xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực và dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thứ trưởng cho rằng chương trình phục hồi cần hướng tới các ngành, lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ vận tải, du lịch; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo; phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao; xuất khẩu bền vững.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, ông Trần Quốc Phương cho rằng chính sách hướng tới tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết và có sức lan tỏa lớn, như: Đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long và hạ tầng y tế, xã hội, nông nghiệp..
Nhưng trên hết, để các giải pháp chính sách hiệu quả và đi vào cuộc sống thì cần phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm…
Thứ trưởng nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp cuối cùng là hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, phát triển bền vững các thị trường khoa học công nghệ, lao động, bất động sản… Bên cạnh đó, công tác quản lý cần gia tăng giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công, quản lý tài sản nhà nước.
“Về trung và dài hạn, chính sách điều hành cần kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn đồng thời giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về năng lượng, hạ tầng lưới điện truyền tải, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng,” ông nói./