Con số trên đáng lẽ phải là niềm vui với những cử nhân sư phạm vì cơ hội nghề nghiệp rộng mở, nhưng trên thực tế, nó lại khiến nhiều người tủi lòng.
Cô Thanh, một giáo viên dạy địa cười buồn bảo: “Thiếu, nhưng chúng tôi phải vật vã lắm mới được làm nghề, phải mất tiền 'mua' chỗ đứng trên bục giảng.”
Tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành địa lý đúng thời điểm mà khắp các trường phổ thông ở địa phương mình đều thiếu giáo viên dạy môn này, nhưng hồ sơ của cô Thanh vẫn bị trả lại với lý do không có chỉ tiêu biên chế.
Do không đủ giáo viên, các trường nhận Thanh dạy hợp đồng với số tiền vỏn vẹn 7.000 đồng một tiết học. Tuy ít ỏi nhưng “đắt sô” ở nhiều trường cùng lúc nên thu nhập của cô cũng được dăm trăm nghìn mỗi tháng. “Tôi cũng không hiểu sao các trường không có giáo viên nhưng tôi lại không được nhận,” cô Thanh băn khoăn.
Rồi một ngày, cô được hiệu trưởng gọi lên cho nghỉ dạy vì đã có giáo viên biên chế môn địa về trường. Cứ thế, khu vực “thâm canh” của cô thu hẹp dần và thất nghiệp.
Để trang trải cuộc sống, cô phải làm thêm rất nhiều việc từ khâu nón, đan mây tre và cũng quần quật với ruộng đồng như bất cứ người nông dân nào.
“Cuối cùng, một người bà con giới thiệu mối cho tôi vào trường này. Tuy phải chạy vạy mất mấy chục triệu đồng nhưng đổi lại, tôi được biên chế chính thức, không phải lo ngay ngáy rằng ngày mai liệu mình có còn được đứng lớp hay không,” cô Thanh chia sẻ.
Giống như Thanh, cô Thắm, giáo viên một trường tiểu học ở Thái Bình cũng đã phải mất hai năm lay lắt làm một công nhân ngành may mới có cơ hội được làm đúng nghề mà mình theo học.
Còn với Hoàng Thị Trà, quê Cao Bằng, cựu sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh đã hai năm nay, sẵn sàng đi vùng xa nhưng công việc hiện tại của cô là dạy gia sư tại nhà cho các em học sinh cấp 1.
Trường hợp của Trà không có gì đặc biệt vì tại Thanh Hóa, thống kê của tỉnh này cho thấy đến tháng 2/2013 còn có đến 3.762 người học sư phạm ra nhưng không có việc làm, cho dù, theo ông Hoàng Đức Minh, Thanh Hóa hiện thiếu khoảng 1.000 giáo viên.
Nếu tính trên cả nước sẽ có cả chục nghìn nhân lực sư phạm đang thất nghiệp hay phải đi đường vòng để được làm nghề, phải “chạy” để được làm thầy.
Những ngóc ngách, khuất tất trong việc xin-cho biên chế ở ngành giáo dục mới đây đã gây “rúng động” cả nước khi riêng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đã “khui” ra tới 300 giáo viên được ký hợp đồng, biên chế sai nguyên tắc. Trong số này nhiều người đã phải bán cả trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa và vườn tược để lo lót được một suất vào biên chế, dù chấp nhận cắm bản vùng sâu.
Trước những thực tế trên thì thông tin về việc ngành giáo dục “khát” nhân lực, nói như Hoàng Thị Trà, chỉ làm cho cử nhân sư phạm thêm đắng lòng./.