Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải dựa trên tình hình thực hiện đầu tư công năm 2021.
Cụ thể, về thực hiện kế hoạch đầu tư công cả năm 2021, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần báo cáo chi tiết tình hình thực hiện thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi ứng trước; tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp, dự án hoàn thành trong năm; tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành.
Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần nêu rõ: số dự án đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và số vốn còn lại chưa được bố trí để thanh toán so với giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 6/2021, dự kiến đến hết năm 2021, nguyên nhân và giải pháp xử lý.
[Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025]
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đánh giá chính xác, nêu bật các kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công trong năm; phân tích rõ nguyên nhân giải ngân không đạt được tiến độ theo yêu cầu của từng dự án và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo 5 nội dung, bao gồm: định hướng đầu tư công năm 2022; dự kiến nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo từng nguồn vốn; dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển ngoài vốn đầu tư công.
Cùng với đó, nêu rõ các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư năm 2022 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; các đề xuất, kiến nghị và giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng như dự kiến các kết quả đạt được.
Về việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất phải đảm bảo 3 yêu cầu như: lập kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước…
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; các nội dung trình phê duyệt về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia và từng địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ..., các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.
Cùng với đó, xác định rõ mục tiêu, ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, từng vùng lãnh thổ. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2022./.