Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có công văn số 12042/BGTVT-CQLXD gửi các đơn vị liên quan về giải pháp thi công phòng chống lún đường cho Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để nâng cao chất lượng các công trình giao thông, tránh tình trạng lún đường đã và đang xảy ra tại nhiều tuyến Quốc lộ.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng quy định về độ chặt đầm nén theo Chỉ thị 11/CT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
“Các đơn vị liên quan trực tiếp đến việc thi công các công trình giao thông cần xem xét áp dụng độ chặt đầm nén nền đường và cấp phối đá dăm theo phương pháp đầm nén tiêu chuẩn, cải tiến cho các dự án xây dựng công trình giao thông để tăng khả năng khai thác, tuổi thọ công trình và đặc tăng khả năng chống lún nền đường,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông cũng nhắc nhở các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ chất lượng của các dự án, kiểm soát và xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như vị trí mỏ vật liệu sử dụng cho công trình, đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt của dự án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lún, hư hỏng nền mặt đường…
“Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải có biên bản cam kết trách nhiệm cụ thể của từng bên về đảm bảo chất lượng thi công công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt,” Bộ trưởng Bộ Giao thông nhấn mạnh.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng bảo hành, bảo trì công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu khắc phục, sửa chữa các hư hỏng phát sinh, đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng dự án.
Cụ thể, trong trường hợp nhà thầu xây lắp không thực hiện tốt trách nhiệm bảo hành, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa.
Đối với các công trình có hư hỏng lớn, xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, mất an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải giao chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ định Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải kiểm định độc lập, đánh giá chất lượng công trình để xử lý các vị trí hư hỏng đúng giải pháp kỹ thuật và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, trường hợp kiểm định cho thấy công trình có khiếm khuyết về chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án yêu cầu nhà thầu kéo dài thời gian bảo hành công trình.
Trước thời điểm chuẩn bị bàn giao hết bảo hành tối thiểu 3 tháng, Bộ yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị quản lý khai thác, nhà thầu, tư vấn giám sát... phải nghiêm túc kiểm tra chất lượng toàn bộ công trình, nếu đảm bảo yêu cầu mới tiến hành thực hiện các thủ tục bàn giao.
Đối với các dự án đã hết thời gian bảo hành, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, nhà thầu xây lắp phải khắc phục, sửa chữa các hư hỏng được xác định do lỗi của nhà thầu gây nên (theo Điều 35 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ); Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác nghiêm túc hiện công tác bảo trì, kịp thời sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông./.
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông về các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/2011 đến nay, chất lượng các dự án trong thời gian bảo hành và sau khi hết thời gian bảo hành còn một số khiếm khuyết, có phát sinh hư hỏng như: lún cục bộ, bong bật, rạn chân chim, hằn vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa, lún tại một số vị trí tiếp giáp giữa nền đường với các công trình cầu, cống... |