Bộ GT-VT: Việc tuyển chọn phi công theo một quy trình chặt chẽ

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Vietnam Airlines đã dành nhiều nguồn lực để tuyển chọn, đào tạo đội ngũ phi công trình độ chuyên môn cao, theo một quy trình chặt chẽ.
Bộ GT-VT: Việc tuyển chọn phi công theo một quy trình chặt chẽ ảnh 1Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thời gian vừa qua, dư luận rất quan tâm đến một số phi công của Vietnam Airlines phản ánh chế độ tiền lương, thưởng không thỏa đáng.

Sự việc đặc biệt chú ý hơn khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phản ánh những tiêu cực trong việc đào tạo, tuyển chọn phi công tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.


- Là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hàng không, ông có thể cho biết ý kiến về những vấn đề dư luân quan tâm đối với công tác đào tạo, xét chọn các phi công, cũng như những khiếu nại về tiền lương thưởng của họ trong thời gian vừa qua?


Thứ trưởng Lê Đình Thọ:
Liên quan đến việc đào tạo, xét chọn các phi công của Vietnam Airlines, cũng như những khiếu nại về tiền lương thưởng của họ trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức họp và yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) báo cáo Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp báo cáo đánh giá toàn bộ những vấn đề này cũng như những tác động của từng nội dung, yêu cầu cụ thể. Từ đó, sẽ có giải trình báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm báo cáo về vấn đề chế độ chính sách và vấn đề đào tạo, tuyển dụng phi công, trên cơ sở những vấn đề thuộc về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không.

Phi công là nghề có tính đặc thù cao thể hiện qua việc tuyển chọn và đào tạo gắt gao cùng quá trình rèn luyện khắc nghiệt kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, chi phí đào tạo để trở thành phi công cũng vô cùng tốn kém.

[Bộ Giao thông yêu cầu báo cáo nghi vấn ‘bôi trơn’ đầu vào phi công]

Do đó, để đánh giá vấn đề đào tạo, tuyển chọn phi công cần nhìn nhận toàn diện, không nên nhìn nhận một chiều. Hơn nữa, các phi công đều được đào tạo ở nước ngoài, họ có tiêu cực hay không tiêu cực chúng ta cũng không nên đánh giá một cách chủ quan và đây là một nguyên tắc.

Chúng ta phải hình dung để trở thành một trường được phép đào tạo phi công phải được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá và công nhận với những tiêu chuẩn hết sức khắt khe.

Chẳng hạn, chỉ riêng mở một đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn Cục Hàng không Liên bang Mỹ đưa ra thì tất cả các tiêu chuẩn của ICAO chúng ta đều phải tuân thủ.

Việc đào tạo phi công tại một quốc gia là sản phẩm, uy tín của một quốc gia đồng thời là vấn đề ngoại giao giữa các nước, nên chúng ta đánh giá vấn đề này cũng cần hết sức thận trọng.

Trở lại câu chuyện nghề nghiệp, hàng không là một ngành nghề đặc thù thì cũng phải có cơ chế đặc thù với ngành này nên cần phải có sự ổn định nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng phi công.

Mặt khác, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, không thể có tình trạng người lao động sáng thích làm thì đi làm, chiều không muốn làm thì nghỉ. Chúng ta thử hình dung trong một ngày, nếu chỉ dừng một vài chuyến bay đi các điểm trong nước thì thiệt hại cho nền kinh tế cũng rất lớn, chưa kể các đường bay nước ngoài.

Tôi đồng tình với vấn đề quản lý lao động theo cơ chế thị trường, nhưng hàng không là ngành đặc thù thì phải có cơ chế quản lý nhân lực đặc thù. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có hành lang pháp lý để quản lý đội ngũ nhân sự của mình.

Đại biểu Quốc hội có ý kiến việc tuyển chọn phi công có vấn đề thì các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm giải thích rõ để các đại biểu Quốc hội hiểu và ủng hộ…Các cơ quan báo chí cũng nên giải thích rõ để người dân hiểu các vấn đề này.

- Qua nội dung đã được đề cập ở trên, dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp nào để tăng cường hơn nữa việc quản lý về lĩnh vực hàng không?


Thứ trưởng Lê Đình Thọ:
Trước tiên về chế độ chính sách, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Vietnam Airlines rà soát lại xem chế độ chính sách đã phù hợp chưa; cần xem xét đến từng đối tượng theo hướng cố gắng tạo ra mức tối đa nhất, tạo ra sự công bằng, minh bạch… Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền, trao đổi để có sự ủng hộ, động viên từ phía người lao động.

Vietnam Airlines phát triển trên sự kế thừa thành quả phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Suốt quá trình phát triển của mình, Hãng đã dành nhiều nguồn lực để tạo ra đội ngũ phi công với bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.

Đây là cả một quá trình rất lâu dài và tốn kém, chứ không thể một ngày một ngày hai mà có được. Do vậy, lực lượng phi công được xem như một nguồn lực quốc gia.

Tuy nhiên, dưới sức ép cạnh tranh của có một số Hãng hàng không mới ra đời với các các cơ chế đãi ngộ cao hơn nhằm lôi kéo nhân lực đã dẫn đến những khó khăn của Vietnam Airlines thời gian qua.

Theo tôi việc “hớt ngọn” vấn đề nhân sự xảy ra vừa qua là sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc dùng cơ chế chính sách về tiền lương, thưởng để lôi kéo các nguồn nhân lực trong cùng một đất nước là không nên. Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những giải pháp để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh qua việc sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, phía Bộ sẽ tiến hành rà soát theo hướng nội dung nào chưa phù hợp thì cần cập nhật sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Riêng bản thân Vietnam Airlines cũng phải cân đối lại chính sách về nhân sự và cần phải cầu thị để cùng phát triển.

Một vấn đề tôi cũng muốn nhấn mạnh đó là Vietnam Airlines là Hãng hàng không Quốc gia ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn phải làm nhiệm vụ chính trị. Một số đường bay hoạt động không hiệu quả nhưng Vietnam Airlines vẫn phải thực hiện vì mục đích an sinh xã hội.

Còn các hãng hàng không khác chắc chắn chỉ thực hiện các đường bay có lãi, hiệu quả… vì mục tiêu của họ là kinh doanh. Do đó người lao động, đặc biệt là đội ngũ phi công cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp, với đất nước.

Đó là chưa nói đến khi xảy ra các vấn đề như an ninh quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, di tản người lao động ở nước ngoài…, Vietnam Airlines phải thực hiện vai trò này trước tiên. Đây là những chi phí mà Vietnam Airlines phải chịu trách nhiệm, điều này thể hiện vai trò của Hãng hàng không quốc gia.


- Ông có thể chia sẻ về quá trình tuyển chọn đội ngũ phi công của Cục Hàng không Việt Nam?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Cục Hàng không Việt Nam là một cơ quan độc lập không phụ thuộc vào tổ chức nào, Cục chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật trong vấn đề đánh giá năng lực của phi công.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ về bằng cấp và việc huấn luyện trong quá trình học.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam căn cứ vào danh sách của các đơn vị được phép đào tạo nằm trong danh mục của Tổ chức Hàng không Quốc tế công nhận và đánh giá phải tuân thủ, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc sử dụng, tuyển chọn phi công cũng có trách nhiệm từ chính Hãng hàng không sử dụng phi công. Đó là sự phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc đánh giá khách quan năng lực, trình độ của các phi công trong quá trình sử dụng. Điều này thể hiện qua việc khi có đợt đánh giá, tuyển chọn phi công đều có thành viên của các hãng hàng không tham gia.

Bộ GT-VT: Việc tuyển chọn phi công theo một quy trình chặt chẽ ảnh 2Phi công của Vietnam Airlines. (Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp)

Một nội dung nữa mà tôi muốn nhấn mạnh thêm là ngành hàng không có đặc thù riêng, ngoài những quy định pháp luật của nước sở tại, còn phải tuân thủ các quy định của ICAO và các khuyến cáo của ICAO. Đây là những yêu cầu sống còn, nếu thiếu những cái này thì sẽ không được phép hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục