Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về công tác triển khai xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt năm 2021.
Vì sao không thể giao vốn cho VNR?
Về giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, từ ngày 29/9/2018 trở về trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là đơn vị trực thuộc nên Bộ giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, sau ngày 29/9/2018, chức năng đại diện chủ sở hữu đối với VNR được chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng (Công văn số 13664/BTC-QLCS ngày 06/11/2020) Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR năm 2021 là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP (vì VNR không phải hộ ngân sách trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải).
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 trong đó nêu rõ: “Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật.”
Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác bảo trì đường sắt năm 2021, Thứ trưởng Đông cho biết Cục Đường sắt Việt Nam đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tuy nhiên do VNR không thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, không phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam để hoàn thiện dự thảo hợp đồng đặt hàng, chưa cho phép Người đại diện phần vốn Nhà nước tại 20 doanh nghiệp bảo trì ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt để triển khai thực hiện.
[Không được giao vốn bảo trì, đường sắt lo ngại phải dừng chạy tàu]
Dẫn chiếu theo quy định của khoản 9 Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP “đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công là việc cơ quan Nhà nước chỉ định đơn vị sự nghiệp công lập; nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đáp ứng theo các yêu cầu, điều kiện đặt hàng của Nhà nước,” Bộ này cho rằng VNR không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nên không thể tiến hành đặt hàng với các nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
“Trong trường hợp VNR được Chính phủ đồng ý là đơn vị thực hiện đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia thì phải sửa quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ,” Thứ trưởng Đông cho hay.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, cơ chế đặt hàng bảo trì cũng như VNR chưa phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp thống nhất ý kiến giữa các Bộ, ngành và xem xét các tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, quyết định phê duyệt Đề án làm căn cứ để triển khai, thực hiện.
Tiền có sẵn nhưng vẫn phải chờ
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẳng định việc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đang thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2020 hiện hành. Sau đó, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với các đơn vị bảo trì của VNR.
Theo ông Minh, dự toán ngân sách và kế hoạch bảo trì đã xây dựng, nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tức là đã có nguồn tiền sẵn sàng chuyển bất cứ khi nào.
“Bộ Giao thông Vận tải rất ‘sốt ruột’ về giao vốn bảo trì đường sắt đặc biệt việc bảo trì cần được quyết định và triển khai nhanh nhất có thể vì nếu không bảo trì sẽ xuống cấp rất nhanh, cán bộ công nhân viên lao động không nhận được lương... Bộ Giao thông Vận tải không thể ứng dự toán cho các đơn vị do phải có hợp đồng kinh tế thì mới có thể triển khai thực hiện,” ông Minh quả quyết.
[Sớm gỡ “nút thắt” về giao vốn bảo trì cho ngành đường sắt]
Chỉ ra việc giao dự toán đặt hàng bảo trì đường sắt đang thực hiện theo Nghị định 32 là rất đặc thù, ông Minh đưa ra quan điểm đến một lúc nào đó cơ chế này nên bỏ bởi khi đấu thấu sẽ có hàng chục đơn vị bên ngoài sẵn sàng tham gia để tăng tính cạnh tranh.
Trước đó, VNR đã có văn bản số 803/BC-ĐS ngày 12/4/2021 kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những vướng mắc trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
VNR cũng cho hay, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản./.
Đây không phải lần đầu tiên VNR kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì, bởi vào đầu năm 2020, ngành đường sắt cũng phải gặp hoàn cảnh tương tự khi đến hết tháng 2/2020 vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải giao kinh phí bảo trì đường sắt. Sau đó, để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã phải tạm giao vốn cho VNR sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ để thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc VNR nhằm kịp thời đảm bảo an toàn chạy tàu như duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn, hệ thống thông tin tín hiệu… Tuy nhiên, đến năm 2021, phương án giao vốn cho đơn vị nào vẫn chưa được tháo gỡ. |