Bộ GTVT sẽ 'quyết liệt' để giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công

Với sự vào cuộc và nỗ lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì tỷ lệ giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với số vốn được giao cao gấp từ 1,5-2 lần so với năm trước, Bộ Giao thông Vận tải cùng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đang gấp rút, nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch và nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong năm nay.

Nỗ lực giải ngân theo kế hoạch vốn đăng ký

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023, bộ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khoảng 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng.

Tám tháng vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì tỷ lệ giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước khi tổng giá trị giải ngân đạt hơn 49.700 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm và đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.

Trong tổng số hơn 49.700 tỷ đồng đã giải ngân trong tám tháng năm nay, giá trị giải ngân nguồn vốn phục hồi đạt hơn 27.000 tỷ đồng; vốn trung hạn giải ngân 22.630 tỷ đồng.

Được giao kế hoạch vốn năm 2023 là 10.908 tỷ đồng, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án 6, từ đầu năm đến nay, giá trị giải ngân của đơn vị đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, đạt hơn 64% kế hoạch.

Trong bốn tháng còn lại Ban quản lý dự án 6 cần phải giải ngân khoảng 3.885 tỷ đồng, tập trung nhiều ở 5 dự án thành phần cao tốc đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu khoảng 600 tỷ đồng, Diễn Châu-Bãi Vọt khoảng 701 tỷ đồng, Vũng Áng-Bùng khoảng 960 tỷ đồng, Bùng-Vạn Ninh khoảng 822 tỷ đồng, Khánh Hoà-Buôn Ma Thuột khoảng 670 tỷ đồng.

“Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay các vị trí có mặt bằng sạch để nhà thầu có thể thi công là rất ít, ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi công theo kế hoạch và tiến độ giải ngân của ban,” ông Hải nhìn nhận.

[Bộ GTVT: Các dự án Cao tốc Bắc-Nam ‘hấp thụ’ nhiều nguồn vốn nhất]

Trong tổng số hơn 13.100 tỷ đồng vốn được giao (gồm cả 305 tỷ đồng được bổ sung), hiện sản lượng giải ngân của Ban quản lý dự án 7 lên tới gần 7.300 tỷ đồng, đạt hơn 55% kế hoạch. Dự kiến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của ban sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng (đạt 61%), cơ bản đạt kế hoạch đề ra và theo mặt bằng chung của Bộ Giao thông Vận tải.

Với tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 9.558 tỷ đồng, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết đến ngày 11/9 vừa qua, ban đã giải ngân được 5.644,4 tỷ đồng (đạt 61,6% so với kế hoạch vốn giao đầu năm).

Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn chiếm nhiều nhất nguồn vốn đầu tư công cần phải giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đến ngày 15/9, Ban quản lý dự án 2 đã giải ngân được 6.808/10.936,8 tỷ đồng (đạt 62,23%). Trong đó, dự án có lượng vốn giải ngân nhiều nhất là Cao tốc Bắc-Nam 2021-2025 đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn với giá trị giải ngân là 4.464,6 tỷ đồng.

Theo ông Lê Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án 2, số vốn còn giải ngân trong bốn tháng cuối năm là 4.130,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam 2021-2025 gồm các đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (2.653,8 tỷ đồng); Quốc lộ 45-Nghi Sơn (756,5 tỷ đồng).

Đẩy mạnh giải ngân bù phần bị chậm

Với quyết tâm chính trị của cả tập thể, các ban quản lý dự án sẽ tập trung quyết liệt để giải ngân tối thiểu 95% tổng số vốn đã được Bộ Giao thông Vận tải giao.

Dự kiến đến hết tháng Chín, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ tiếp tục giải ngân thêm 487 tỷ đồng. Dự kiến năm nay sẽ giải ngân được hơn 9.518 tỷ đồng, đạt 99,6% tổng số vốn được giao (hơn 9.558 tỷ đồng).

“Thực tế, số vốn trong các dự án của ban đã được tính toán để đảm bảo kế hoạch giải ngân như đã đề ra, trường hợp còn một số khoản (vốn cấp về các địa phương phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư) mà địa phương có thể không sử dụng hết, Ban quản lý dự án 2 sẽ tính toán cụ thể để điều hòa cho các dự án cần tăng lượng giải ngân (nếu có thể), hoặc xin kéo dài vốn sang những tháng đầu năm 2024 nếu được cấp thẩm quyền cho phép,” ông Lê Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 nói.

Một số dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 lại đối diện nỗi lo nguồn vật liệu xây dựng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để tăng tốc tiến độ giải ngân, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến công tác chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án cần được tháo gỡ; giải phóng mặt bằng cần được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để cho các nhà thầu thi công.

[Bộ trưởng GTVT: Tranh thủ từng giây, từng phút để giải ngân vốn]

Riêng tháng 9/2023, kế hoạch các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký khoảng hơn 7.400 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu cần phải có giải pháp đẩy mạnh giải ngân để bù phần bị chậm trong 8 tháng đầu năm (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; đẩy nhanh thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng; rà soát để điều hòa nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục