Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phân cấp tất cả các cảng vụ đường thủy nội địa về địa phương quản lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tích cực.
Về thể chế, Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành 5 nghị định phân cấp phân quyền tránh chồng chéo. Ngành vẫn đảm bảo giao thông thông suốt; ngành đường sắt đưa hàng sang các nước châu Âu. Lần đầu tiên 5 quy hoạch của ngành giao thông vận tải đã được triển khai đồng bộ.
Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn, lên tới khoảng 43.401 tỷ đồng. Đến nay, ngành đã giải ngân được trên 37.000 tỷ đồng, chiếm 85%.
Kết quả giải ngân hàng tháng trong năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải thuộc trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước. Dự kiến hết tháng 1/2022 (thời điểm hết năm tài chính), Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân đạt trên 95% đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra.
[Bố trí 3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022]
Bên cạnh đó, năm 2021, ngành giao thông đã hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm kéo dài nhiều năm nhưng đã bàn giao như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đường cao tốc Bắc Nam, phía Đông, dự án cầu Thăng Long… và lần đầu tiên tai nạn giao thông giảm sâu trong 10 năm. Cùng đó, ngành đã phối hợp với các cơ quan thực hiện chuyển đổi số Chính phủ điện tử.
Năm 2022, ngành giao thông vận tải sẽ triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là ngành sẽ cải cách thể chế từ việc xây dựng 5 đề án phân cấp phân quyền, ngành sẽ phân cấp cho tất cả các cảng vụ đường thủy nội địa trên cả nước về các địa phương quản lý. Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng khôi phục hoạt động vận tải. Bộ sẽ tham mưu và phối hợp với các ngành chức năng triển khai tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông để hoạt động giao thông luôn thông suốt.
Ngành cũng triển khai đẩy nhanh các dự án công trình trọng điểm; làm việc với nhiều địa phương để thực hiện xong các thủ tục đầu tư cho các công trình này để dành thời gian 3 năm thực hiện. Ngoài ra, ngành giao thông cũng thực hiện đảm bảo có hiệu quả trong an toàn giao thông
Để hoàn thành các mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị trong ngành, Bộ Giao thông Vận tải xác định, năm 2022 là năm bản lề để quyết tâm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ nên ngành đề xuất Chính phủ tạo điều diện tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng và cơ chế cho các dự án vẫn còn khó khăn để tạo đột phá với các dự án giao thông./.