Bộ GTVT: Nhiều dự án giao thông đang bị mặt bằng ‘ngâm’ tiến độ

Bộ GTVT: Nhiều dự án giao thông đang bị mặt bằng 'ngâm' tiến độ

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình.
Nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài việc thúc tiến độ các dự án đã và đang triển khai, trong sáu tháng của năm vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án để hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch.

Nhiều dự án bị giao thông gặp khó

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ, trong sáu tháng đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động trực tiếp chủ trì 54 đợt kiểm tra hiện trường các dự án cùng với cơ quan tham mưu. Sau các cuộc kiểm tra, phát hiện các tồn tại, vi phạm, Bộ ban hành các văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình 23 đơn vị gồm 10 chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; 3 Tư vấn giám sát và Tư vấn thiết kế; 10 nhà thầu thi công còn tồn tại, khiếm khuyết về tiến độ, chất lượng.

Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao được 636,4/652,92km (đạt 97,5%), còn lại 16,5km trong phạm vi bàn giao vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết trong quá trình thi công.

Đối với 7 dự án đang thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ, một dự án mới khởi công tháng 5/2021, còn 4  dự án chậm so với kế hoạch từ 0,5-2% nguyên nhân chậm chủ yếu do khó khăn vật liệu đất đắp và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra một số khó khăn lớn của dự án bao gồm thiếu hụt nguồn vật liệu đắp nền đường; mức giá vật liệu tăng cao so với thời điểm ký hợp đồng; thiếu các vị trí bãi đổ thải; biến động giá vật liệu thép xây dựng.

“Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các địa phương bảo đảm đủ nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án; nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá; chỉ đạo các địa phương hoàn thành các khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại trong quý 2/2021; sớm thống nhất các vị trí bãi đổ thải; áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

[Giải quyết dứt điểm những vướng mắc của dự án cao tốc Bắc-Nam]

Liên quan đến dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (giai đoạn 1), mặt bằng đã bàn giao 21,2/22,9km (đạt 92,3%), dự kiến hoàn thành trong quý 3/2021, các đơn vị đã triển khai 3/3 gói thầu, sản lượng thi công đến tháng 6/2021 đạt 3,65%.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo và Ban Quản lý dự án đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp, An Giang để giải quyết khó khăn cát đắp. Đến nay, khối lượng cát đến công trường đã được cải thiện, tuy nhiên còn chậm (khối lượng một ngày đạt khoảng 12.000/18.000m3, xấp xỉ 66,7%), dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Bộ cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án tiếp tục làm việc với địa phương để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng và giải quyết khó khăn nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Đối với dự án đường sắt có 4 dự án với 36 gói thầu xây lắp, đến nay các đơn vị đã triển khai 31/36 gói thầu; còn lại 5 gói thầu gồm 2 gói thầu đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến khởi công tháng 7/2021, 3 gói thầu không có nhà thầu tham gia.

“Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư làm việc cụ thể với các địa phương để giải quyết về giải phóng mặt bằng; chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công từng tháng/quý, chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý ngay các nhà thầu chậm tiến độ như điều chuyển khối lượng cho các thành viên liên danh,” lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh.

Về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư), dự án thành phần 3 khởi công ngày 5/1/2021 và đang triển khai hạng mục rà phá bom mìn (dự kiến hoàn thành tháng 1/2022); xây dựng tường rào ranh giới cảng hàng không (dự kiến hoàn thành tháng 9/2021); hoàn chỉnh thủ tục các hạng mục còn lại để triển khai dự án.

Đối với dự án thành phần 2, (công trình quản lý bay), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM-chủ đầu tư) đã hoàn thành phê duyệt dự án (ngày 20/5/2021), đang triển công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế.

Kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận hầu hết các dự án đều không được bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ đề ra.

“Việc chậm giải phóng mặt bằng sẽ gây ảnh hưởng như kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào khai thác, phát sinh chi phí bù trượt giá, chi phí tư vấn giám sát, chi phí quản lý dự án,… ảnh hưởng đến chất lượng công trình do mặt bằng thi công bị gián đoạn, ‘xôi đỗ’, công địa thi công không đảm bảo cho dây chuyền máy móc thiết bị thi công, đặc biệt là các dự án quan trọng như đường cao tốc,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận.

Về chất lượng, theo lãnh đạo Bộ này, sáu tháng đầu năm, các dự án hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo quy định; các dự án đang triển khai chưa phát hiện có vi phạmvề chất lượng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án, tiến độ là quan trọng, nhưng chất lượng là hàng đầu; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các tồn tại về trình tự thi công, chất lượng vật tư, vật liệu đầu vào,… để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng.

[Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn Bộ GTVT cao vượt trội so bình quân cả nước?]

Đề cập đến tiến độ các dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vẫn còn tình trạng chậm khởi công chủ yếu do Tư vấn thiết kế chậm hoàn thành hồ sơ thiết kế, dự toán; chậm hoàn thành tại một số dự án do giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng thời tiết như khu vực Miền trung, Tây Nguyên, thiếu nguồn vật liệu đắp, giá cả vật liệu xây dựng biến động lớn như giá thép, giá vật liệu đắp,...

Dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm và liên tục được Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc tiến độ thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án bám sát tiến độ thực hiện, kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn các dự án về nguồn vật liệu đắp, giá thành vật liệu và các vướng mắc về thủ tục…, đặc biệt dự án trọng điểm cao tốc Bắc-Nam, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bến Lức-Long Thành.

Nhà chức trách cũng yêu cầu các đơn vị của ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 bảo đảm kế hoạch, kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục