Bộ GTVT lý giải vụ lùi khai thác thương mại đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định tháng 9/2017 sẽ chính thức khai thác thương mại đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Bộ GTVT lý giải vụ lùi khai thác thương mại đường sắt Cát Linh-Hà Đông ảnh 1Đơn vị thi công tiến hành việc lắp đặt phiến dầm vượt qua sông Tô Lịch tại trụ DR14 sang DR13. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Phát biểu tại buổi họp báo về tình hình nhiệm vụ công tác quý III của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 29/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định tháng 9/2017 sẽ chính thức khai thác thương mại đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Lý giải về thời gian lùi khai thác thương mại dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, tuyến đường sắt đô thị này hoàn toàn dựa trên công nghệ do Trung Quốc chuyển giao từ phương thức thi công đến Tổng nhà thầu thi công dự án.

Từ năm 2013 đến nay, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ của dự án đã được cải thiện tích cực, đến nay cơ bản kiểm soát tiến độ. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt đôn đốc, giám sát tiến độ của dự án.

Bộ đã làm với tổng thầu Trung Quốc chốt mốc thời gian cụ thể cuối năm nay, toàn bộ phần xây lắp liên quan tới kết cấu chính gồm hệ thống dầm, trụ, nhà ga… nói chung cơ bản phải hoàn thành.

“Đến tháng 6/2017, nhà thầu sẽ lắp đặt xong các thiết bị phục vụ cho đường sắt. Tới tháng 9/2017 sẽ đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại. Chúng tôi khẳng định, đây là tiến độ cuối cùng và sẽ thực hiện được,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Về gói thiết bị khoảng 200 triệu USD bao gồm 13 đoàn tàu, đường ray, hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng phục vụ cho dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, hiện nay các bên đang đàm phán để đưa ra mức giá cuối cùng.

“Mục tiêu đưa ra là các gói thiết bị được chọn phải đảm bảo được công nghệ mới nhất, đáp ứng công nghệ tự động hóa cao, giá rẻ. Hiện tại, chúng tôi đang mời một công ty của Bộ Tài chính thẩm định giá, đánh giá toàn bộ gói thiết bị. Nếu thuận lợi, thì đến hết tháng 3/2017 sẽ bắt đầu triển khai việc mua sắm gói thiết bị này,” ông Trường thông tin thêm.

Trước đó, lãnh đạo ngành giao thông cho biết, vừa qua dự án chậm tiến độ 2 tháng, nhưng khối lượng công việc bị ảnh hưởng trong thời gian đó không lớn. Hiện Tổng thầu hiện còn nợ nhà thầu phụ 340 tỷ đồng. Phía Tổng thầu khẳng định, sau khi nhận được 19 triệu USD tạm ứng bổ sung, Tổng thầu sẽ lần lượt thanh toán cho các đơn vị.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông theo kế hoạch sẽ phải đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2016, tuy nhiên với nhiều lý do kể trên, dự án lại phải lùi vận hành thương mại tới gần 1 năm.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỷ đồng).

Toàn tuyến có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục