Bộ Giao thông Vận tải vừa có lý giải về việc vì sao không giảm giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp vận tải hàng hải cũng như doanh nghiệp cảng biển trong dịch COVID-19.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp vận kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét về khả năng điều chỉnh giảm khung giá dịch vụ đang áp dụng cho các hoạt động vận tải hàng hải nhằm tháo gỡ khó khăn trước tác động dịch COVID-19.
Về vấn đề này, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, giá xếp dỡ container theo Thông tư 54/2018 của bộ ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam hiện đã cao hơn trước nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đơn cử, tại Việt Nam, giá bốc dỡ container cao nhất tại các cảng nước sâu như Cái Mép-Thị Vải mới chỉ là 52 USD/container 20feet, 77 USD/ container 40feet thì vẫn thấp hơn nếu so sánh với Campuchia (có hạ tầng cảng biển kém hơn Việt Nam) hiện đang thu khoảng 65 USD/ container 20feet, 99 USD/ container 40feet. Singapore là 111 USD/ container 20feet; 159 USD/ container 40feet.
Khẳng định việc giảm giá xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam nhưng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài khi các doanh nghiệp này vẫn thu phụ phí cao đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, phía Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quan điểm không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển như đã quy định.
[Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng, hành khách giảm]
Đối với việc giảm phí, lệ phí hàng hải, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện, việc giảm phí, lệ phí sẽ đem lại lợi ích cho các hãng tàu ngoại nhưng làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước và chỉ hỗ trợ một phần nhỏ doanh nghiệp vận tải trong nước.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam cần phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trước khi có kiến nghị cụ thể Bộ Tài Chính.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018 trong đó tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container và sửa đổi, bổ sung biểu khung giá hoa tiêu, lai dắt hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, khắc phục được các vướng mắc hiện nay.
Trước đó, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho các doanh nghiệp hay chủ tàu thuyền.
Cụ thể, đối tượng được giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải là tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện sông pha biển).
Cục Hàng hải Việt Nam sẽ giảm giá dịch vụ hoa tiêu đến mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ GTVT (Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT) về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (giảm 10% so với mức giá đang áp dụng hiện nay).
“Thời gian thực hiện 3 tháng, kể từ ngày 1/5/2020,” lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thông tin./.