Bộ GTVT hủy thầu cao tốc Bắc-Nam đoạn tuyến Quốc lộ 45-Nghi Sơn

Một dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đối tác công-tư đã bị hủy thầu, điều này đồng nghĩa với việc tiến độ triển khai đại dự án này sẽ có sự chậm trễ.
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định về việc hủy thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Quyết định do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký nêu rõ: “Chấp thuận đề nghị của Ban quản lý dự án 2, hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.”

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án 2 có trách nhiệm tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định (nếu có), hoàn thiện các thủ tục có liên quan về việc hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Được biết, đoạn tuyến cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn là dự án thứ 2 trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) phải hủy thầu. Trước đó, dự án PPP đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu đã phải hủy thầu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Tại thời điểm đóng thầu dự án ngày 5/10/2020, bên mời thầu (Ban quản lý dự án 2) đã không nhận được bất kỳ hồ sơ dự thầu nào của nhà đầu tư. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải gia hạn đóng thầu tới ngày 12/10/2020, Ban quản lý dự án 2 nhận được hồ sơ dự thầu của một nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Licogi16-Công ty cổ phần FECON-Công ty cổ phần Đầu tư 468-Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Điền Phước-Công ty cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON.

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa được đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.

[Hàng loạt gói thầu dự án cao tốc Bắc-Nam đã chọn được nhà thầu]

Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội, thừa nhận các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP việc huy động vốn tín dụng đối gặp nhiều khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

“Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa sáu tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng,” vị Tư lệnh ngành giao thông cho hay.

Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Bộ trưởng Thể đề xuất đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục