Bộ Giao thông phản hồi gì về đồ án phân khu quy hoạch ga Hà Nội?

Bộ GTVT: Hà Nội cần thận trọng về không gian kiến trúc ga Hà Nội

Bộ Giao thông Vận tải lưu ý Hà Nội cần thận trọng trong quá trình rà soát, thẩm định quy hoạch về không gian chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, công trình ngầm của đồ án quy hoạch ga.
Ga Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan tới đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, Bộ này cũng lưu ý Hà Nội hết sức thận trọng trong quá trình rà soát, thẩm định quy hoạch đặc biệt là không gian giữa chiều rộng các tuyến đường với chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, công trình ngầm…

[Bộ GTVT: ‘Chưa thấy nhắc đến làm nhà cao tầng ở lõi ga Hà Nội’]

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, đồ án được lập khá công phu, nhiều nội dung nghiên cứu khá chi tiết, đã có mối liên hệ mật thiết với định hướng quy hoạch phát triển giao thông thủ đô và các dự án phát triển đường sắt có liên quan khu vực ga Hà Nội (như tuyến số 1, Yên Viên-Ngọc Hồi và tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội).

Bên cạnh đó, đồ án đề xuất giải quyết hệ thống giao thông trong khu vực bằng các giải pháp giao thông khác mức, kết nối với giao thông đô thị, đặc biệt là kết nối Đông-Tây ga Hà Nội; cũng như giải pháp bảo tồn các công trình kiến trúc trong khu vực, dự kiến phân khu chức năng để định hướng phát triển trong tương lai.

Thừa nhận đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện đồ án.

Đánh giá đồ án quy hoạch được xây dựng theo mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị), tuy nhiên, mô hình này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, do đó, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển đô thị một cách đồng bộ, làm cơ sở định hướng quy hoạch cho các phân khu chức năng.

“Mặt khác, việc áp dụng mô hình TOD mới đề xuất tại khu vực ga Hà Nội, chưa hình thành được chuỗi kết nối để đánh giá được tính tổng thể và bảo đảm phát huy được hiệu quả của đồ án quy hoạch,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nói.

Lưu ý thành phố Hà Nội hết sức thận trọng trong quá trình rà soát, thẩm định quy hoạch, Thứ trưởng Công chỉ ra nguyên nhân hiện thành phố đang bị quá tải về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông khi mật độ dân cư đô thị và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển.

[Cần thận trọng với việc xây công trình cao 40-70 tầng ở ga Hà Nội]

Cụ thể, trong báo cáo mới nêu được chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho giao thông khoảng 25%, chưa nêu được nhu cầu giao thông của người dân tăng/giảm so với trước đây và so với các chỉ tiêu yêu cầu như mật độ đất dành cho giao thông; mật độ đường giao thông/1000 dân; mật độ đường giao thông/1km2, phương án tổ chức giao thông....

Đặc biệt cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này là 220% so với nhiệm vụ được duyệt, và 120% so với hiện trạng; chưa tính toán kỹ lượng khách ra/vào khu vực đầu mối giao thông các khu vực thương mại trong phạm vi quy hoạch nhất là khi hình thành các trung tâm thương mại tập trung tại khu vực này; chưa tận dụng, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực ga Hà Nội.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng về dân cư, mật độ giao thông trên các tuyến đường trong khu vực quy hoạch cũng như các tuyến giao thông kết nối vùng quy hoạch với khu vực lân cận để đảm bảo liên thông vận tải toàn thành phố; phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông.

Bên cạnh đó cần lưu ý, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, ga Hà Nội còn được xác định là ga của tuyến đường sắt tốc độ cao, vì vậy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.

[Vì sao cần quy hoạch, tái thiết khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận?]

Về cảnh quan, không gian và quy hoạch kiến trúc, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất việc xây dựng các công trình hiện đại dọc theo đường Lê Duẩn là cần thiết, tuy nhiên cần lưu ý về không gian giữa chiều rộng các tuyến đường với chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, nhất là các công trình dọc tuyến đường Lê Duẩn, cửa ngõ của Thủ đô; lưu ý đảm bảo hài hòa với cảnh quan kiến trúc của nhà ga Hà Nội hiện tại có kiến trúc cổ cũng như các công trình quy hoạch mới.

Hơn nữa, khu vực ga Hà Nội có cốt cao độ thấp, thường bị ngập úng, vì vậy cần lưu ý quy hoạch các công trình ngầm, công trình thoát nước để chống ngập.

Đối với nhu cầu vốn đầu tư, Bộ Giao thông đề nghị làm rõ cơ cấu các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch theo hướng vốn ngân sách Trung ương chỉ tập trung đầu tư các công trình đường sắt quốc gia; đối với các công trình, hạng mục còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục