Bộ GTVT đề xuất thay đổi cơ chế giao vốn bảo trì hạ tầng đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ liên quan việc triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia năm 2021.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia. Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất và công tác khác, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Liên quan đến công tác giao vốn bảo trì, triển khai thực hiện từ năm 2022, tại báo cáo trình Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị việc giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với công tác bảo dưỡng công trình, thực hiện đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 32/2019.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ sớm xem xét, sớm phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư. Trong Đề án có nhiều nội dung liên quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, tổ chức giao dự toán bảo trì, đặt hàng…

[Bộ GTVT ký kết hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia với VNR]

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ký hợp đồng đặt hàng với VNR và đến nay, công tác đặt hàng toàn bộ công việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia năm 2021 đã được hoàn thành.

Được biết, trước đây Bộ Giao thông Vận tải giao thẳng vốn cho VNR vì đơn vị này khi đó còn trực thuộc Bộ. Năm 2020 tiếp tục giao vốn do vẫn còn một số vướng mắc từ các quy định pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ.

Từ năm 2021, Bộ không giao cho VNR mà đặt hàng, còn dự toán vẫn giao về Cục Đường sắt Việt Nam theo đúng Luật Ngân sách. Sang năm 2022, thay vì Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng đặt hàng, Bộ giao cho Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục