Bộ GTVT đề xuất làm 729km cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025

Trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 8 dự án đầu tư công và 4 dự án theo hình thức đối tác công-tư.
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc được đưa vào khai thác vận hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất triển khai đầu tư khoảng 729km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của 12 dự án thành phần cao tốc này được Bộ Giao thông Vận tải tính toán vào khoảng 148.492 tỷ đồng, bao gồm 131.217 tỷ đồng vốn Nhà nước và 17.275 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Cụ thể, nhu cầu vốn Nhà nước cần bố trí giai đoạn 2021-2025 khoảng 91.852 tỷ đồng (khoảng 70%), phần còn lại khoảng 38.365 tỷ đồng (khoảng 30%) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2021-2026. Ngoài phần vốn nhà nước đã được Quốc hội bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 44.683 tỷ đồng, kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội

Trong 12 dự án thành phần, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất triển khai 8 dự án theo hình thức đầu tư công (Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau).

Lộ trình triển khai 8 dự án này sẽ được chuẩn bị dự án trong năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành giữa năm 2026.

[Trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025]

Còn lại, 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang. Thời gian chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành giữa năm 2026.

Để đảm bảo tính khả thi với 4 dự án thành phần triển khai bằng hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP từ 54-65% tổng mức đầu tư của dự án và kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục