Bộ GTVT: ‘Chưa thấy nhắc đến làm nhà cao tầng ở lõi ga Hà Nội’

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với lõi ga Hà Nội chưa thấy nhắc đến vấn đề làm nhà cao tầng trong lõi ga, nên việc tác động của nhà cao tầng ở lõi ga là chưa có.
Bộ GTVT: ‘Chưa thấy nhắc đến làm nhà cao tầng ở lõi ga Hà Nội’ ảnh 1Ga Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ủng hộ Hà Nội nghiên cứu phân khu ga Hà Nội và vùng phụ cận nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung Thủ đô, tuy nhiên, khi đã xem qua đồ án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với lõi ga Hà Nội chưa thấy nhắc đến vấn đề làm nhà cao tầng trong lõi ga, nên việc tác động của nhà cao tầng ở lõi ga là chưa có.

Tại buổi họp báo quý 3 vào chiều nay (28/9), theo Thứ trưởng Đông, đồ án không phải là quy hoạch riêng đối với ga Hà Nội mà là quy hoạch của cả khu vực, thông sang cả khu Văn Miếu, Văn Chương và ga Hà Nội nằm trong quy hoạch đó.

[Vì sao cần quy hoạch, tái thiết khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận?]

Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và đang giao cho các cơ quan chuyên môn đường sắt, đường bộ cùng nghiên cứu để trả lời Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong khoảng 10 ngày tới, Thứ trưởng Đông cũng tỏ ra băn khoăn khi nội dung đồ án khá rộng, thay đổi nhiều về hạ tầng xung quanh ga nên cần cần nghiên cứu kỹ khả năng tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường sắt có phù hợp không?

Nói về nguyên tắc chung, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận quy hoạch này phù hợp với quy hoạch không gian đô thị chung của Hà Nội, nhưng về khía cạnh giao thông vận tải, Bộ đang nghiên cứu và sẽ có ý kiến.

“Theo đánh giá chung Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải về đất dành cho hạ tầng giao thông. Với mật độ dân số như hiện nay thì Thủ đô cần tới 22% quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông, thế nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 7%, nên đây là một áp lực không nhỏ,” ông Đông đánh giá.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo khi thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) phải khai thác xã hội hóa ga Hà Nội để tăng thêm nguồn thu vào đầu tư. Qua đó cũng đặt vấn đề xây dựng một số văn phòng thương mại không phải nhà ở trong khu vực ga.

“Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ xem xét việc triển khai công trình dịch vụ theo hướng xã hội hoá trong việc xây dựng nhà ga trung tâm Hà Nội, nhưng cao bao nhiêu cho phù hợp thì cũng phải tính,” ông Đông cho hay.

[Tái thiết ga Hà Nội và vùng phụ cận: Giải "bài toán" quá tải hạ tầng]

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000. Tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó, tái định cư tại chỗ cho dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.

Vị trí quy hoạch thuộc địa giới hành chính các phường như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên (quận Đống Đa); phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Điện Biên (quận Ba Đình); Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).

Quy hoạch chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...

Tuy nhiên, theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục