Bộ GTVT 'cảnh cáo' Hiệp hội Taxi không can thiệp Uber, Grab trốn thuế

Bộ GTVT cảnh cáo Hiệp hội Taxi đã can thiệp vào việc quản lý Nhà nước

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đề nghị Hiệp hội Taxi Hà Nội đừng can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm như thuế.
Bộ GTVT cảnh cáo Hiệp hội Taxi đã can thiệp vào việc quản lý Nhà nước ảnh 1Ứng dụng phần mềm gọi xe của Grab. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đề nghị Hiệp hội Taxi Hà Nội đừng can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm như thuế.

Grab, Uber “thúc” taxi chuyển mình

Tại buổi họp xem xét kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của “taxi công nghệ” Uber, Grab do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức vào chiều 27/10, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, có 905 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 29.810 xe tham gia thí điểm. Chính sự gia tăng nhanh chóng, vượt xa so với quy hoạch của số lượng xe này đã dẫn đến việc Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab.

Hiệp hội cũng “tố” loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam như chưa thống kê đầy đủ số lượng xe, gây thất thu thuế và ngân sách, phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải…

[Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về việc dừng cấp phép mới Uber và Grab]

Những tranh cãi làm thế nào bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa “taxi công nghệ” và taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết. Trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, tăng số lượng xe thì nhiều hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn để cạnh tranh, tồn tại.

Để bắt kịp với xu thế và sẵn sàng “tuyên chiến” Uber, Grab, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã đầu tư ứng dụng phần mềm kết nối vận tải nhưng cũng đặt ra nghi vấn khi Grab có công nghệ ưu việt, số lượng xe hoạt động nhiều nhưng lại báo lỗ tới lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay.

Một vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh taxi ganh tỵ với Uber và Grab theo ông Bình chính là sự linh hoạt điều chỉnh về giá cước của “taxi công nghệ” trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng nhưng cũng không thể vì thế mà có quyền đưa ra một giá cước phi thực tế theo kiểu cạnh tranh, hủy diệt đối phương hoặc giá cước nhảy múa trong một ngày thay nhiều giá vì có nhiều chương trình khuyến mãi chuyến đi.

Tại hội thảo, Hiệp hội taxi Hà Nội khẳng định, các hãng taxi chấp nhận cạnh tranh nhưng phải bình đẳng trong quản lý về áp thuế giữa 2 loại hình này, khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá...

[Bài 4: Taxi truyền thống vừa ganh tỵ vừa lo sợ Uber và Grab "xóa sổ"?]

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Uber và Grab đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại và được nhiều người lựa chọn, ủng hộ. Thậm chí, gần đây, có những hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… cũng đã tham gia thí điểm và được hưởng toàn bộ điều kiện như Grab, Uber.

Từ đó, ông Ngọc đặt ra câu hỏi: “Tại sao các đơn vị kinh doanh taxi lại đặt vấn đề không có sự công bằng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống.”

Cho rằng dư luận nói nhiều về công nghệ, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, nếu không mạnh dạn đưa phền mềm Uber, Grab vào thị trường nước ta thì taxi truyền thống đến giờ vẫn không có sự thay đổi, thậm chí làm gì có tới 12 hãng taxi truyền thống tham gia thí điểm ứng dụng kết nối vận tải.

Địa phương, Hiệp hội vận tải đổ tội cho Bộ

Khẳng định những gì bất cập trong cạnh tranh phải nghiên cứu, ông Thọ cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đồng tình, cố gắng hướng đến taxi ứng dụng phần mềm công nghệ cao, tạo sự công bằng, chia sẻ.

“Về cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, Uber, Grab cố gắng lắng nghe, tìm các giải pháp cho tương lai của đơn vị vận tải, chứ không phải nghe các đơn vị cạnh tranh về tranh luận,” Thứ trưởng Thọ bày tỏ quan điểm.

Bộ GTVT cảnh cáo Hiệp hội Taxi đã can thiệp vào việc quản lý Nhà nước ảnh 2Xe taxi Mai Linh xếp hàng dài đón khách đoạn trước cổng bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hiệp hội Taxi Hà Nội đừng can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm như thuế. Nếu cần thiết, Hiệp hội có văn bản gửi các cơ quan chức năng họp và sẽ trả lời. Hiệp hội kiến nghị, Bộ sẵn sàng tiếp doanh nghiệp để trả lời những gì được và nếu chưa được sẽ tiếp thu, góp ý sẽ ghi nhận.

[Bộ Công Thương: Sẽ cùng Bộ Giao thông giám sát Uber và Grab]

Sở dĩ lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh điều này bởi trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, sau khi áp dụng thí điểm, số xe gia nhập đội ngũ Uber, Grab đã lên đến 50.000 chiếc, doanh thu cỡ 1.500 tỷ đồng/tháng thì số tiền thuế mà Grap và Uber phải nộp là cỡ 67,5 tỷ đồng (mức đóng 4,5%).

Tuy nhiên, từ khi hoạt động đến nay, Uber chỉ mới nộp vào ngân sách 10 tỷ đồng. Trong khi đó, Grab và Uber được hưởng 20% doanh thu. Con số này tương đương với 10 tỷ đồng/ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi năm, tiền trong nước chảy ra nước ngoài khoảng 3.600 tỷ đồng.

Đại diện Grab, Uber đều cho rằng, những thông tin trên là "sai lệch", bản thân các đơn vị không bao giờ trốn thuế, chủ động kê khai và nộp thuế và phía Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã tiến hành kiểm tra, truy thuế Uber và Grab.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Nghị định 86 và cố gắng đưa thêm một chương nữa về ứng dụng khoa học công nghệ, phần mềm này Bộ đã đăng tải trong đó quy định rõ các đối tượng cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp phần mềm và quyền lợi người dân nên mong muốn các đơn vị, Hiệp hội vận tải đóng góp ý kiến cho Bộ nhằm bổ sung thành Nghị định 86 hoàn chỉnh.

Liên quan đến kiến nghị “cấp hạn ngạch” số lượng xe Grab, Uber, Thứ trưởng Thọ quả quyết, các Hiệp hội Vận tải và địa phương đổ tội cho Bộ là đẩy số lượng xe gia tăng nhanh chóng ở địa phương là không đúng, nói kiểu như là “luận tội”.

["Không thể dùng quyền lực hành chính để hạn chế Uber, Grab"]

Giải thích rõ hơn, theo Luật giao thông đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải là quy hoạch giao thông vận tải cho toàn ngành theo giai đoạn. Sau quy hoạch chuyên ngành, ở các địa phương sẽ có quy hoạch giao thông vận tải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó.

“Khi số lượng xe đã vượt quy hoạch sẽ gây nên vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, vượt quá quy hoạch thì địa phương phải có biện pháp khống chế lại vì đó là thẩm quyền của địa phương chứ không phải là Bộ Giao thông Vận tải. Bộ chỉ đưa ra chủ trương, định hướng và không thể can thiệp sâu vào số lượng bao nhiêu xe của tỉnh,” ông Thọ nói.

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, trong sự phát triển của xã hội, loại hình phương tiện nào tiên tiến được người dân chấp nhận thì sẽ tồn tại, còn không thay đổi sẽ bị đào thải giống như xe xích lô 3 bánh, xe lôi…

Đánh giá Luật Giao thông Đường bộ 2008 ban hành đã có tầm nhìn tương đối là xa về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường bộ, tuy nhiên, ông Tịnh thừa nhận, trải qua quá trình phát triển, đa số các Luật có vài năm đã phải chỉnh sửa.

“Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm Đề án kết nối vận tải ứng dụng công nghệ vừa qua là tốt, đáng ra là cho thời gian ít nhất 3-5 năm nhưng phải có sự tổng kết. Nhà nước phải tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi loại hình kinh doanh. Uber, Grab có lợi thế là đi vào đường cấm taxi, trong khi taxi truyền thống bị ràng buộc và cho rằng chưa tạo ra sự bình đẳng,” ông Tịnh so sánh.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, cơ quan chức năng để có báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi Nghị định 86 phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong thời kỳ mới, đặc biệt khi chính sách có bất cập thì phải sửa đổi nhằm phục vụ nhân dân và kinh tế-xã hội tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục