Bộ GTVT cần giải ngân hơn 28.000 tỷ đồng trong bốn tháng cuối năm

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án đã được phân bổ nguồn vốn.
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để giải ngân vốn đầu tư công 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng (56,7%).

Tại cuộc họp giao ban tháng Tám của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 26/8, con số thống kê cho thấy tính đến hết tháng 8/2022, các dự án của bộ này dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, cơ quan Trung ương (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%), song phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận vẫn chậm so với kế hoạch các chủ đầu đã đăng ký khoảng 1.124 tỷ đồng và so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 52%).

Đối với công tác phân bổ nguồn vốn, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng bao gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng đồng vốn trong nước.

Đến nay, bộ đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, bộ dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

[Có tới 27 Bộ và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%]

Để đẩy mạnh thực hiện giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tại khu vực thi công để tăng ca, kíp, mũi thi công; đặc biệt với các dự án phải hoàn thành năm nay, các dự án có khối lượng thi công lớn cần tăng cường thi công 3 ca; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đấu thầu, tạm ứng hợp đồng dự án.

Đối với các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đôn đốc tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình duyệt dự án đầu tư theo đúng tiến độ cam kết, làm cơ sở sớm giao kế hoạch vốn thực hiện.

Về hoạt động vận tải, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, tám tháng của năm nay, vận tải bằng đường bộ cũng có sự tăng trưởng với mức tăng hơn 16% đối với vận tải hàng hóa và hơn 19% với vận tải hành khách.

Trong số đó, lĩnh vực hàng không có số lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không ước đạt 11,5 triệu khách, tăng tới 473% so với cùng kỳ năm trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục