Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng của dự án trọng điểm quốc gia này.
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật ký gửi Quốc hội, dự án cao tốc Bắc-Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, gồm 11 dự án thành phần dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Sau đó, ngày 28/3/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt 11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc tốc Bắc-Nam phía Đông. Riêng việc giải phóng mặt bằng của 11 dự án được tách thành các tiểu dự án và giao cho địa phương nơi có dự án đi qua thực hiện.
Trong Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ các dự án.
Đề cập đến tình hình giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc-Nam tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết hiện nay, 11/11 dự án đang triển khai việc đo đạc, kiểm đếm để lập phương án hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, năm dự án gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết cơ bản đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm. Riêng, dự án Cao Bồ-Mai Sơn địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 9,63/15,2km (đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình), dự án Cam Lộ-La Sơn đã bàn giao 70/98,3km.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay 11 dự án đã dự kiến bố trí 89 khu tái định cư tập trung với khoảng 3.760 hộ dân. Các địa phương đang khảo sát, thiết kế các khu tái định cư.
Về việc cấp vốn cho đền bù giải phóng mặt bằng, hiện 10/11 dự án đã được cấp 4.367 tỷ đồng cho các địa phương. Riêng dự án Cao Bồ-Mai Sơn, nguồn vốn giải phóng mặt bằng được bố trí trong dự án tuyến kết nối. Hiện nay, các địa phương đã giải ngân được hơn 575 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.
“Tiến độ triển khai và giải ngân giải phóng mặt bằng tại các địa phương về cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Riêng tỉnh Bình Thuận việc triển khai các thủ tục xây dựng khu tái định cư nhanh so với các địa phương khác và có khả năng thực hiện giải ngân cho giải phóng mặt bằng lớn hơn phần vốn đã bố trí," Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin.
[Chính phủ báo cáo Quốc hội tiến độ cao tốc Bắc-Nam phía Đông]
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần này, Bộ Giao thông Vận tải đã nêu đích danh hai địa phương triển khai giải phóng mặt bằng còn chậm là Đồng Nai và Tiền Giang.
Điển hình, tại dự án Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km, trong khi tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm và đang xây dựng khu tái định cư Tân Lập, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2019, tỉnh Đồng Nai vẫn đang trong quá trình đo đạc, kiểm đếm và làm thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch,… để xây dựng khu tái định cư.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá, để các dự án cao tốc Bắc-Nam cơ bản hoàn thành vào năm 2021, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất nông nghiệp (chiếm 90% tổng diện tích giải phóng mặt bằng) phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019. Khối lượng 10% phần diện tích mặt bằng còn lại, các địa phương cũng phải tích cực triển khai di dời và hoàn thành trong năm 2020.
Ngoài ra, báo cáo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng tại các địa phương có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.
Do đó, ngày 29/8/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có Văn bản 8175/BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, xử lý trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc-Nam về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách ưu tiên xây dựng nhà tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số,…
Đến ngày 13/9/2019, Chính phủ ban hành Văn bản 8268 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét các kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, kịp thời hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giao Tổng cục Đất đai nghiên cứu, tham mưu xử lý.
Ngoài các vướng mắc về cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết việc chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi các dự án cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng của 11 dự án cao tốc Bắc-Nam.
Theo thống kê sơ bộ của các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình, số vị trí giao cắt đường điện cao thế phải cải tạo di dời là 104 vị trí, trung thế 306 vị trí, hạ thế 695 vị trí; chiều dài di dời đường nước các loại 13.492m, chiều dài di dời cáp viễn thông 34.006m.
“Việc lập phương án di dời, bố trí kinh phí và triển khai thực hiện công việc này sẽ mất nhiều thời gian, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chủ quản, sử dụng công trình với các ban quản lý dự án để triển khai di dời," Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 22/7/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan, đơn vị trực thuộc Tập đoàn đang sở hữu, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi phải di dời để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án cao tốc phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng các địa phương trong việc xác định, thống nhất vị trí, phương án di dời, lắp đặt hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành việc giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu./.