Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi vốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bất kỳ đơn vị nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm sẽ được tham gia đấu thầu sơ tuyển dự án cao tốc Bắc-Nam.
Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

Bộ Giao thông Vận tải sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh thành.

Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam vào sáng ngày 17/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc-Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nên nhu cầu đầu tư là cần thiết.

Tổng mức đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành là 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.

“Hồ sơ mời thầu 8 dự án cao tốc đã được ban hành, bất kỳ nhà đầu tư trong nước và quốc tế nào cũng có thể tiếp cận nghiên cứu nhằm tạo điều kiện tối đa tham gia dự án; các tiêu chí được nghiên cứu kỹ lưỡng tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế; bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án,” Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

[Cao tốc Bắc-Nam: Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế?]

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề cao việc huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý hiệu quả từ khu vực tư nhân là một trong những giải pháp hữu hiệu để triển khai thành công dự án nhằm góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để triển khai thành công dự án, Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young, đây là các tư vấn hàng đầu thế giới, tham gia hỗ trợ Bộ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư BOT, thay vì 10-12% như trước đây. Quy định này, theo Bộ Giao thông, nhằm đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính.

Mức giá dịch vụ giai đoạn khởi điểm là 1.500 đồng/xe/km, tăng dần đến 3.400 đồng/xe/km đồng thời Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án. Mức giá này cũng được cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục