Tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách (sửa đổi, bổ sung QCVN 45:2012/BGTVT) đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung quy định cho phép lắp đặt sử dụng trạm sạc cho xe điện trong phạm vi bến xe khách.
Theo đó, các công trình dịch vụ thương mại khuyến khích xây dựng bao gồm trung tâm thương mại; khách sạn, nhà nghỉ; nhà hàng phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc cho xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà để xe nhiều tầng và trung tâm dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
Dự thảo cũng cập nhật yêu cầu các bến xe khách được xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị phòng và chống cháy, chữa cháy theo đúng quy định.
Nhấn mạnh cần bổ sung quy định về trạm sạc điện trong phạm vi bến xe khách, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Đến ngày 22/7/2022 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông Vận tải.
Giải bài toán nguồn trạm sạc sẽ thúc đẩy tỷ lệ phát triển xe buýt điện
Thành phố Hà Nội đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi cao nhất cho việc chuyển đổi xe sử dụng Năng lượng Xanh.
Ngoài ra, hiện một số hãng xe buýt, taxi,... cũng đã bắt đầu sử dụng xe điện trong vận tải hành khách.
Tính đến nay, cả nước có 555 bến xe ôtô khách, trong đó có 390 bến xe từ loại 1 đến loại 4; còn lại 165 bến xe dưới loại 4 được xây dựng, cải tạo, nâng cấp dựa trên các quy định của Quy chuẩn QCVN 45: 2012/BGTVT./.