Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phức tạp diễn ra tại trạm thu phí BOT Tân Đệ (tỉnh Thái Bình), Bộ Giao thông Vận tải cho biết thông tin trạm này hết hạn thu phí là không chính xác và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình thu phí tại trạm BOT Tân Đệ diễn biến phức tạp như một số tài xế xe cố tình dừng đỗ không mua vé gây ách tắc giao thông, đâm barie, tự ý nhấc barie, đe dọa và đánh nhân viên thu phí...
Một số tài xế cho rằng trạm thu phí đã hết thời gian thu phí từ tháng 5/2018, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung hạng mục tuyến tránh Đông Hưng và thu phí tại trạm Tân Đệ là chưa hợp lý.
Trước tình hình mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Tân Đệ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh nghiệp dự án phối hợp cung cấp cho Công an tỉnh Thái Bình, công an huyện Vũ Thư các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đối tượng cố tình phá hoại tài sản, trang thiết bị tại trạm thu giá, những lái xe có hành vi cản trở giao thông, các tổ chức, cá nhân có hành vi gây mất trật tự xã hội...
Đồng thời, Bộ chỉ đạo lực lượng công chức thanh tra xuống hiện trường làm việc với doanh nghiệp dự án để nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương đảm bảo an toàn giao thông.
[Cung cấp thông tin đối tượng phá hoại trạm thu phí Tân Đệ cho công an]
Lực lượng công an huyện Vũ Thư đã hỗ trợ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại trạm từ ngày 2/6/2018 đến nay.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã có văn bản về việc kiên quyết xử lý tình trạng gây rối an ninh trật tự, cản trở gây ách tắc giao thông tại trạm Tân Đệ; trong đó, đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị có liên quan, các địa phương trong tỉnh xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, gây rối và yêu cầu các đơn vị liên quan đối thoại, trả lời kiến nghị của các chủ phương tiện.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết vẫn đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình để tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực theo quy định của pháp luật về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT của ngành giao thông vận tải; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, các nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ theo hình thức BOT triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 715,72 tỷ đồng.
Dự án đưa vào khai thác từ tháng 7/2012, sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí theo hợp đồng dự kiến 21,33 năm.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào chi phí đầu tư được quyết toán, lưu lượng xe thực tế qua trạm, thời gian thu phí đã được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư điều chỉnh theo quy định, đến thời điểm ký Phụ lục hợp đồng bổ sung hạng mục tuyến tránh Đông Hưng tháng 10/2016, thời gian thu phí của đoạn tuyến từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ dự kiến 10 năm 3 tháng (từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2019).
Ngày 28/01/2015, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến góp ý của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung hạng mục tuyến tránh Quốc lộ 10 qua thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào Dự án.
Hạng mục tuyến tránh Đông Hưng có chiều dài 6,5km, tổng mức đầu tư 434,207 tỷ đồng và sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn.
Dự kiến, khi tuyến tránh Đông Hưng hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ phân bổ doanh thu tại trạm thu phí BOT Tân Đệ (khoảng 40%) để hoàn vốn cho tuyến tránh.
Thời gian thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Đông Hưng khoảng 3 năm 1 tháng (từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2021). Thời gian thu phí cho toàn bộ dự án (bao gồm cả hạng mục tuyến tránh Đông Hưng) khoảng 11 năm 9 tháng.
“Việc bổ sung hạng mục tuyến tránh Đông Hưng vào Hợp đồng BOT dự án là theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, được Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất bằng văn bản và Bộ Giao thông Vận tải triển khai đúng quy định của pháp luật. Thông tin về trạm thu phí đã hết thời hạn vào tháng 5/2018 là không chính xác," văn bản Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Theo thống kê, số lượng xe vượt trạm và số doanh thu thất thoát trong tháng 5 là 14.986 lượt xe/tháng, trung bình 483 lượt xe/ngày, tổng số thu thất thoát khoảng 1,71 tỷ đồng; nửa đầu tháng 6 là 45.691 lượt xe, trung bình 4.153 lượt xe/ngày, tổng số thu thất thoát khoảng 3,74 tỷ đồng./.