Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định thông tin bộ này chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xây dựng chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia là không chính xác.
Năm giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ngày 26/3, đơn vị này đã có văn bản 2875 báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung phục vụ cuộc họp do Thủ tướng chủ trì.
Tại văn bản này, trong mục “Những đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét xử lý," Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, giải quyết sớm theo thẩm quyển về nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia trong vấn đề phân bổ slot [giờ cất hạ cánh – PV], kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp các hãng hàng không quốc gia phát triển bền vững, giữ vị thế chủ đạo.
"Đây là nội dung tổng hợp ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp được gửi về Bộ trước ngày 26/3. Bộ có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo Thủ tướng theo đúng yêu cầu. Đây không phải là ý kiến chỉ đạo của Bộ," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
[Doanh nghiệp giao thông thiệt hại nặng nề giữa vòng xoáy COVID-19]
Về phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giao thông, trong đó có ngành hàng không. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo rất cụ thể 5 giải pháp. Thứ nhất là tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không Việt Nam (không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam).
Thứ hai, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật.
Thứ ba, triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ tư, tăng hiệu quả khai thác các chuyến bay quốc tế bằng việc cho phép kết hợp vận chuyển công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay đến Việt Nam theo chỉ đạo và chấp thuận của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.
Thứ năm, đối với các dịch vụ hàng không khác thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ chủ động hỗ trợ nhau.
Hiện nay, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các Cảng hàng không của ACV.
Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là dịch vụ dẫn tàu bay 50%; dịch vụ thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy thủ tục hành khách, thuê cầu dẫn khách, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.
Đề xuất “cứu” ngành hàng không
Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến hết 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, Chính phủ thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy thuộc theo diễn biến của dịch bệnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
[Kiến nghị giảm giá dịch vụ, miễn thuế nhiên liệu do ảnh hưởng COVID-19]
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ khoanh nợ gốc, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tính dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động.
“Như vậy, không có việc Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu chính sách bảo hộ cho riêng bất cứ doanh nghiệp nào. Mọi chính sách đều công bằng, bình đẳng đối với các doanh nghiệp hàng không,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải quả quyết./.
Đối với hãng hàng không quốc gia (VietnamAirlines), trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch COVID-19, hãng chịu trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. VietnamAirlines và Vietjet Air cũng là 2 hãng hàng không hỗ trợ vận chuyển các trang thiết bị y tế khẩn cấp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các địa phương có dịch. |