Ngay sau khi sự cố sập giàn giao tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông xảy ra, đầu giờ chiều ngày 28/12, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định đình chỉ hàng loạt đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc.
Đối với Tổng thầu EPC (Trung Quốc), Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tập trung chỉ đạo các nhà thầu phụ và huy động các nhà thầu phụ khác tích cực xử lý hiện trường, để giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông.
“Tổng thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố gây ra đồng thời yêu cầu các đơn vị: Tổng thầu, Tư vấn giám sát, thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Đối với Tư vấn giám sát, Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc phê bình, cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với Ông Tạ Trung Văn-Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông.
Đối với Ban Quản lý dự án Đường sắt: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có quyết định đình chỉ công tác điều hành đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
[Đình chỉ một Phó Tổng giám đốc vì sự cố sập giàn giáo ở Hà Đông]
Đối với Nhà thầu phụ thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) là nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra biện pháp đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông;
Sự cố sập đà giáo đang được nhà thầu khẩn trương khắc phục. Về nguyên nhân cụ thể sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trước đó, vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm nay (28/12), tại Lý trình Km7+703,600-Km7+798,400-vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đã xảy ra sự cố trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường.
“Tuy nhiên, sự cố không xảy ra thương tích về người,” thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
[Thông cáo của Bộ GTVT về sự cố đường sắt Cát Linh-Hà Đông]
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có mặt tại hiện trường để xử lý khắc phục sự cố.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị thi công, Tổng thầu và Tư vấn Giám sát cùng các bên có liên quan tiến hành xử lý ngay hiện trường để tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố; phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phân luồng cho người dân đi lại đồng thời khẩn trương thu dọn hiện trường để đảm bảo giao thông.
Hiện nay, giao thông khu vực này người dân đi lại bình thường./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội, chiều dài 13km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, để hoàn thành hơn 13km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa, tốc độ chạy tàu tối đa 80km/giờ cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được hơn 1 triệu lượt khách/ngày đêm, sẽ cần tới khoảng 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỷ đồng), trong đó phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhà thầu EPC của dự án là Công ty xây dựng Hải ngoại-Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Theo yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến tháng 10/2015 phải đưa dự án vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác thương mại.