Bộ Giao thông: Công bố 5 nguyên nhân việc chậm, hủy chuyến bay

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014.
Vietjet Air đang dẫn đầu về tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp đánh giá về thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng huỷ, chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Giải pháp đầu tiên để giảm chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện, triệt để Cục Hàng không Việt Nam. Lãnh đạo Cục này phải thấy được sự chậm đổi mới của mình, tư duy trì trệ của mình để đổi mới. Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận việc chỉ huy phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa tốt. Bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh."

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air) và Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific (Jetstar Pacific) lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ hơn 40% chậm chuyến – một tỷ lệ quá cao, gây bức xúc dư luận.

Tiếp theo là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trung bình của các hãng hàng không trên thế giới trong khoảng 20%. Trong đó, các hãng hàng không giá rẻ có khuynh hướng chậm hủy chuyến cao hơn các hãng truyền thống.

Ông Lại Xuân Thanh đưa ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014 gồm: khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, chim chóc, đặc điểm vùng trời hẹp…). Trong đó, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%).

Cụ thể, ngoài nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật, các nguyên nhân khác trong nhóm này được Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là tắc nghẽn trong tàu bay do quá trình xếp khách lên tàu bay (boarding) chưa hợp lý; xếp lịch bay không sát với thời gian thực tế khai thác; các hãng hàng không chi phí thấp không xếp giờ khai thác tàu bay dự bị.

Theo ý kiến của đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, các hãng hàng không nội địa đều chọn cảng căn cứ là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, do đó 2 Cảng này thường xuyên quá tải dẫn đến việc chậm, hủy chuyến dây chuyền của phần lớn chuyến bay còn lại trong ngày.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải đưa ngay những tồn tại bất cập hiện nay vào nội dung cần sửa của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Mặt khác, cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cơ quan liên quan trong việc để chất lượng dịch vụ chưa cao và có chế tài xử lý.

Người đứng đầu ngành giao thông vân tải cho rằng: "Trách nhiệm trước hết thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải, sau đó đến Tổng công ty Cảng, Tổng công ty quản lý bay rồi mới đến các hãng hàng không. Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, chưa vì lợi ích khách hàng, lợi ích của người dân. Khách hàng là thượng đế nhưng bắt thượng đế phải lang thang cơ nhỡ trên sân bay của mình, không coi là lỗi của mình. Do đó, các cơ quan đơn vị phải nghiêm khắc với chính mình, kiểm điểm trách nhiệm đơn vị mình.”

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Phải có các quy định cụ thể nếu các hãng hàng không còn để tình trạng chậm, hủy chuyến thường xuyên sẽ có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh, không thể để mãi hiện tượng chậm, hủy thoải mái mà không ai bị sao.”

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải rà soát lại việc cấp slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định) cho các hãng hàng không, tránh chồng chéo, gây chậm, hủy chuyến dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách và lợi ích của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam ngay trong tháng này phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng không.

Đại diện các hãng hàng không đều thống nhất truy nguyên nhân, tìm giải pháp nhằm giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay, không để mãi tình trạng như vừa qua nhằm lấy lại hình ảnh và lòng tin của hành khách đối với ngành kinh doanh vận tải mang thương hiệu quốc gia này.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, 6 tháng đầu năm 2014, số chuyến bay phải chậm, hủy chuyến của hãng nhiều hơn cùng kỳ năm trước. Do đó, ưu tiên số một của Vietnam Airlines là giải quyết cho hành khách đi chuyến gần nhất là quan trọng chứ không chỉ đơn giản là xin lỗi.

Đại diện của 2 hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific cũng hứa trước lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ giảm ngay 50% số vụ chậm hủy chuyến trong tháng 7, tháng 8.

“Trong tháng 9, số vụ chậm, hủy chuyến của Vietjet Air sẽ chỉ còn khoảng 10% so với con số hơn 40% hiện nay” – đại diện Vietjet Air cam kết. Đại diện Jetstar Pacific cũng khẳng định sẽ giảm số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến xuống còn 5% từ tháng 11 năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục