Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra trong năm học mới 2017-2018.
Theo đó, đề án này sẽ được sửa đổi từ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020.
Việc trình đề án ngoại ngữ 2017-2025 nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Dưới đây là 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học mới.
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ chủ trương xây dựng hệ thống chuẩn trường sư phạm phục vụ công tác quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên và trình Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
[Đổi mới tuyển dụng, bổi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học]
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Bộ sẽ ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm làm cơ sở để các địa phương, các trường rà soát, đánh giá đội ngũ và có biện pháp xử lý với cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn.
Các trường sư phạm xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Các địa phương xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ.
3. Đổi mới chương trình giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông
Với giáo dục mầm non, năm học mới sẽ triển khai thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa.
Với giáo dục phổ thông, nhiệm vụ là đẩy nhanh tiến độ ban hành các chương trình môn học giáo dục phổ thông; triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới.
Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.
Bộ cũng đặt nhiệm vụ hoàn thiện các định dạng đề thi, quy chế thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đào tạo bồi dưỡng giáo viên và đa dạng hóa các chương trình, học liệu…
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
Bộ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Bộ cũng tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối liên thông giữa Bộ với các đơn vị trực thuộc để xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất toàn ngành các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và hệ thống phần mềm quản lý trường học dùng chung.
Trong các trường học sẽ tăng cường sử dụng sổ điện tử trong nhà trường, triển khai mô hình giáo dục điện tử, áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến (e-learning).
6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương nghiên cứu đề xuất, xây dựng trình Chính phủ Nghị định tăng cường phân cấp quản lý của các trường mầm non, phổ thông.
[Chính thức thông qua chương trình giáo dục tổng thể]
Các vấn đề tự chủ như xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; tăng quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học gắn với nâng cao năng lực quản trị…
7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Năm học tới, Bộ sẽ tiếp tục thí điểm áp dụng các mô hình, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, giáo trình và phương thức dạy học, kiểm tra, đánh giá của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học sẽ được áp dụng nhiều hơn.
Giáo dục đại học chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ…
Bộ cũng đặt nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch khu hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, đồng bộ cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, mở chi nhánh của các trường đại học uy tín trên thế giới để vừa đào tạo sinh viên trong nước vừa thu hút sinh viên nước ngoài theo học.
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo
Bộ sẽ thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho từng địa phương, từng vùng miền để có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hoặc xây mới.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế.
Bộ cũng đặt mục tiêu nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ rà soát nhu cầu số lượng và chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho các trường sư phạm./.