“Tôi cho rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Còn vấn đề được giao biên soạn một bộ sách giáo khoa, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới, khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau.”
Đây là quan điểm được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ khi giải trình tại Quốc hội sáng nay, 1/11.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội có nhận định “sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định mà ngành giáo dục xác định là đòi hỏi cao, rất trách nhiệm của Chính phủ, dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn phải làm tốt thêm và ngành Giáo dục đang cố gắng để thực hiện tốt.
[“Bộ GD-ĐT nên biên soạn một bộ SGK, nhưng không phải bây giờ]
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổn thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm và từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách.
Như vậy, đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành Giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.
Cũng theo Bộ trưởng, có ý kiến băn khoăn về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, “Con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ và đây là con số thống kê cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển. Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí là 395, 2 tỷ đồng,” Bộ trưởng cho hay.
Việc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách giáo khoa đã được xã hội hóa đang là vấn đề thu hút sự chú ý của công luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc xã hội hóa sách giáo khoa nhằm huy động nguồn lực xã hội đồng thời tạo sự lựa chọn đa dạng cho người học. Theo ông Nghĩa, việc xã hội hóa này đang được triển khai tốt với ba bộ sách khác nhau thì không nên đặt vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa. “Bao giờ khi mới triển khai cũng sẽ có vấn đề cần giải quyết, nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn có giải quyết được các vấn đề không?” đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Nhưng theo đại biểu đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đai biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cần phải có một bộ sách giáo khoa để chủ động trong mọi tình huống. “Khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể đảm bảo được đến đầu năm học mới có sách giáo khoa và đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với việc biên soạn sách giáo khoa,” bà Hoa nói.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn lại cho rằng việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tại thời điểm hiện tại không thực sự cấp thiết. Điều quan trọng là giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với năng lực và phương pháp giảng dạy của mình và với năng lực học tập cũng như mặt bằng tâm lý của học sinh ở từng địa phương, từng trường.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa thời điểm này chắc chắn sẽ dẫn đến độc quyền, cả nước quay về dạy một bộ sách giáo khoa như trước đây vì các trường sẽ chọn sách của Bộ để đảm bảo an toàn./.