Bỏ ghi ngành, nghề trong Giấy chứng nhận doanh nghiệp

Bỏ ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận doanh nghiệp

Chiều 9/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận dự thảo về những điểm mới trong cách ghi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, buổi thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 9/9 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ghi nhận nhiều ý kiến tán thành những điểm mới của dự thảo về cách ghi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; quy định mới về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp Nhà nước.

Với phạm vi điều chỉnh: Quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, quy định về nhóm công ty, điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp là việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Chiểu theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận. Khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký, ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiên hà không cần thiết cho doanh nghiệp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đổi mới này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của dự án Luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tại buổi thảo luận, thay đổi này nhận được sự tán thành cao của các đại biểu. Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần có quy định theo hướng tạo điều kiện cho công tác hậu kiểm, quản lý Nhà nước định kỳ; tránh việc nợ thuế kéo dài, lừa gạt. Dự thảo cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác này.

Một điểm mới nữa tại dự thảo lần này là quy định về doanh nghiệp xã hội. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, ở nước ta trong vài năm gần đây, doanh nghiệp loại này cũng đã xuất hiện với số lượng ngày một tăng và đang phát triển nhanh chóng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tán thành cao với quy định mới về loại hình doanh nghiệp xã hội; cho rằng đây là quy định phù hợp với nhu cầu đang phát sinh trong thực tế, cần được Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, để doanh nghiệp đóng góp vào các hoạt động phục vụ cộng đồng. Về vấn đề này, có ý kiến đề xuất, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp Nhà nước tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là các doanh nghiệp lớn, Tập đoàn, Tổng Công ty thì cũng cần phải được tạo điều kiện bằng quy định trong luật.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thống nhất khái niệm về doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước, dù là vốn Nhà nước chi phối, gọi là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn Nhà nước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các doanh nghiệp này trong Luật doanh nghiệp.

Việc đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... sẽ được quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục