Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể thể hiện quan điểm của mình và đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 là những điểm nhấn trong kết quả giáo dục lớp 1 năm học 2021-2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ trong báo cáo tổng kết kết quả một năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Vượt nhiều khó khăn
Năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là năm dịch COVID-19 bùng phát trở lại mạnh hơn ở nhiều địa phương. Vì thế, ngành giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phải thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng và đảm bảo chất lượng giáo dục nói chung, vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch ở các nhà trường.
Do đó, việc lần đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một thử thách lớn từ đội ngũ đến cơ sở vật chất.
Về đội ngũ, việc bồi dưỡng giáo viên gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nhiều nơi phải lùi lịch, chuyển tự trực tiếp sang trực tuyến, dẫn đến chậm tiến độ. Bị ảnh hưởng đến chất lượng, đội ngũ giáo viên còn thiếu cả về số lượng. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học nhiều nơi chưa đạt 1,5 theo quy định, thậm chí nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ là 1,2 như Hải Dương, Gia Lai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa... Với các môn học lần đầu xuất hiện ở lớp 1 như Tiếng Anh, Tin học lại càng bất cập khi vẫn còn thiếu khoảng 6.348 giáo viên Tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh.
Về cơ sơ vật chất, mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng nhiều nơi chưa đáp ứng được các điều kiện để thực hiện chương trình mới. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 4/2021, dù đã gần hết năm học, việc mua sắm thiết bị dạy học lớp 1 theo quy định vẫn chỉ đạt khoảng 70% so với nhu cầu.
Việc lần đầu tiên thực hiện đa dạng hóa sách giáo khoa với 5 bộ sách lớp 1 đã đáp ứng yêu cầu của chương trình mới nhưng cũng vẫn còn lọt nhiều “sạn” trong sách, khiến dư luận bức xúc, các nhà xuất bản phải chỉnh sửa.
Với những khó khăn trên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ở nhiều nơi, học sinh phải học trực tuyến trong nhiều tháng.
Đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến học sinh lớp 1 không được đến trường trước hai tuần như kế hoạch để làm quen với môi trường mới, giáo viên không được tập huấn chu đáo như mong muốn khiến cả cô và trò đều đã có những lúng túng trong giai đoạn đầu triển khai.
Đặc biệt là sự lúng túng, thiếu tự tin của giáo viên và các nhà trường khi lần đầu tiên được tự chủ trong kế hoạch xây dựng chương trình học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình mới nên có biểu hiện lo lắng, so sánh chương trình, sách giáo khoa cũ và chương trình và sách giáo khoa mới. Những điều đó đã gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường…
Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp chuyên môn kịp thời, phù hợp. Cụ thể như việc chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học để không gây quá tải; đổi mới phương pháp dạy; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình; tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên.
Khi phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa, Bộ đã tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn
Báo cáo kết quả tổng kết sau một năm thực hiện cho thấy chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt những kết quả tích cực trên nhiều phương diện, từ công tác quản lý đến đào tạo.
Về quản lý, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới.
[Năm học 2020-2021 và bước khởi đầu chương trình mới nhiều khó khăn]
Các nhà trường đã khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện tốt. Các nhà trường đã nỗ lực ưu tiên cho lớp 1 để thực hiện chương trình mới từ đội ngũ đến cơ sở vật chất để đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau những lúng túng giai đoạn đầu, kế hoạch giáo dục đã được đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình. Học sinh được tạo điều kiện học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học. Thời khóa biểu đã được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Trong năm học 2021-2022, chương trình mới sẽ tiếp tục thực hiện với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022./.