Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, đề án mới đang được triển khai ở giai đoạn đầu, còn rất nhiều việc phải làm như đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình sách giáo khoa, khảo thí và kiểm định... Do vậy, giáo dục Việt Nam hy vọng có sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm đào tạo từ nhiều nước hơn nữa. Giai đoạn 200-2010, đề án đã tiến hành đánh giá năng lực giáo viên và nhu cầu đào tạo, phát triển các chính sách thu hút kiều bào và giáo viên tình nguyện.
Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn quan trọng với các nhiệm vụ như bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho các trường, tiến hành dạy bằng tiếng Anh cho các ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, du lịch, kinh doanh tại một số trường đại học trọng điểm. Dạy toán và một số môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số trường trung học phổ thông và dạy một phần các môn học ở năm cuối đại học bằng tiếng Anh.
Phó Tham tán văn hóa-thông tin, Đại sứ quán Hoa Kỳ David W.Moyer cho biết, Đại sứ quán Hoa Kỳ luôn sẵn sàng hỗ trợ giáo dục Việt Nam. Ngoài việc cử các chuyên gia ngắn hạn, dài hạn, chuyên gia cao cấp tới hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, một số trường đại học lớn... Đại sứ quán Hoa Kỳ còn tổ chức các chương trình trao đổi, học bổng... đồng thời còn xây dựng tài liệu cho giáo viên và học viên tiếng Anh thông qua các cổng thông tin trực tuyến.
Đại diện Hội đồng Anh John O'Rourke cũng khẳng định, Hội đồng Anh luôn sẵn sàng tư vấn xây dựng chương trình, sách giáo khoa, hỗ trợ các giảng viên tiếng Anh bậc tiểu học và trung học trên toàn quốc.
Trong năm 2011-2012, Hội đồng Anh sẽ hỗ trợ tập huấn khoảng hơn 3200 giáo viên bậc tiểu học và ở bậc trung học là hơn 770 giáo viên. Con số này sẽ tăng dần theo các năm để 2012 - 2016, sẽ tập huấn ở bậc tiểu học cho 22.400 giáo viên, 320 tập huấn viên trình độ cao; ở bậc trung học sẽ tập huấn khoảng 20.160 giáo viên và 600 tập huấn viên trình độ cao. Hội đồng Anh cũng đưa ra khung chuẩn giáo viên và các cơ hội đào tạo, tập huấn như đào tạo chính quy, giáo viên tự đánh giá, học trực tuyến...
Một số ngôn ngữ mới được dạy và học phổ biến trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng được giới thiệu tới các đại biểu quốc tế như tiếng Nhật, tiếng Đức ... Hiện nay, một số ngôn ngữ vốn được coi là "ngôn ngữ nhỏ" lại đang được quan tâm do biến đổi về tỷ lệ dân số sử dụng trên thế giới, tỷ lệ GDP đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu của mỗi ngôn ngữ, tỷ trọng ngôn ngữ internet...
Hiện nay, tiếng Nhật đang được giảng dạy tại một số trường phổ thông Việt Nam, bắt đầu từ lớp 6 trung học cơ sở đến lớp 12 trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận khung về dạy tiếng Nhật từ năm 2003 -2013 ở trường phổ thông cấp trung học. Đến năm 2010, từ một số ít học sinh tham gia học tiếng Nhật dưới hình thức ngoại khóa, đến năm 2009-2010, số trường, lớp, học sinh và giáo viên tham gia thí điểm và triển khai đại trà của từng tỉnh, thành phố tăng lên đáng kể. Kết quả thí điểm và triển khai đại trà ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy tiếng Nhật đã trở thành ngoại ngữ thứ 5 trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Trưởng đại diện chương trình cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Đức của Chính phủ Đức (DSD), Ủy ban giáo dục PT Đức tại nước ngoài (ZIA) Hidegard Thomas cho rằng: Cần có một bản hiệp định dài hạn, xác thực về sự hợp tác giữa ZIA và các trường phổ thông Việt Nam và Chính phủ Đức rất hoan nghênh một hiệp định như thế.
Ở các quốc gia khác, chương trình DSD đã thành công từ nhiều thập kỷ nay. Đồng thời, để nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Đức hiện nay tại VIệt Nam cần tạo ra các khóa đào tạo giáo viên tiếng Đức tại trường Đại học ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội, nâng cao các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nói chung với các đối tác Đức như cho sử dụng các phòng học tiếng Đức.../.