Bộ GD-ĐT giải đáp các vấn đề nóng về Kỳ thi Tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT: Gian lận công nghệ cao vẫn là một thách thức không nhỏ

Tại buổi họp báo kết thúc Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải đáp các vấn đề liên quan đến chất lượng đề thi, gian lận thi cử.
Bộ GD-ĐT: Gian lận công nghệ cao vẫn là một thách thức không nhỏ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: PV)

Vì sao đề thi môn Ngữ văn có sự trùng lặp với đề thi của các địa phương, vì sao đề thi ít tính đổi mới, vì sao vẫn có tình trạng thí sinh làm lọt đề thi…là những vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp tại cuộc họp báo chiều nay, ngày 29/6.

Khó tránh trùng thông tin

Ngay sau khi kết thúc môn Ngữ văn, dư luận băn khoăn việc đề thi trùng về vấn đề cảm xúc cá nhân với đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội ngay đầu tháng Sáu vừa qua, trùng về ngữ liệu đoạn trích trong tác phẩm “Vợ nhặt” với đề thi thử của tỉnh Nghệ An.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban Đề thi quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho hay với trường hợp đề thi của tỉnh Nghệ An, phần ngữ liệu trùng nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau nên không ảnh hưởng đến chất lượng đề thi.

Ông Hòa cho hay thí sinh dự thi năm nay vẫn học theo chương trình cũ nên tác phẩm ra đề thi phải nằm trong số 15 tác phẩm trong chương trình.

“Với số lượng tác phẩm như vậy, tất cả 63 địa phương đều sử dụng để ra đề thi thì việc sử dụng trùng là bình thường, điều quan trọng là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau,” ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, trong quá trình ra đề, bộ có sử dụng phần mềm lọc nội dung các đề thi của các địa phương, quét thông tin trên mạng Internet để tránh trùng lặp. Tuy nhiên, đề thi thử của Nghệ An lại không có trên Internet.

Bộ GD-ĐT: Gian lận công nghệ cao vẫn là một thách thức không nhỏ ảnh 2Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Với đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, ông Hòa cho rằng ngữ liệu câu hỏi khác nhau, lệnh hỏi khác nhau. “Lệnh hỏi đối với đề thi của Hà Nội là ‘làm chủ cảm xúc’ trong khi đề thi tốt nghiệp ở mức cao hơn là ‘cân bằng cảm xúc,” Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà khẳng định.

Về tính sáng tạo, đổi mới trong đề thi, ông Hòa cho biết do theo quy định của chương trình cũ, đề thi phần làm văn bắt buộc phải sử dụng ngữ liệu trong các tác phẩm đang dạy trong nhà trường nên ban ra đề chỉ có thể làm tốt nhất trong phạm vi quy định.

[Vụ lọt đề thi tốt nghiệp THPT: Có thể xem xử lý trách nhiệm hình sự]

Tuy nhiên ở phần đọc hiểu được phép sử dụng các ngữ liệu nằm ngoài chương trình nên ngữ liệu ở phần này có tính mở cao. Tổ ra đề cũng luôn hướng tới các vấn đề mới, trong đó có các nội dung liên quan đên vấn đề xã hội, thời sự, hay cần có tính giáo dục.

Ông Hòa cho hay năm 2025, khi ra đề thi theo chương trình mới, không bị ràng buộc bởi các tác phẩm cụ thể thì việc ra đề sẽ linh hoạt và có tính mở, tính sáng tạo cao hơn.

Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng đề thi ở một số môn như môn Toán có tính phân hóa nhưng chưa cấn đối giữa các câu hỏi ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, gây khó cho thí sinh, ông Hòa cho hay trong việc ra đề thi, ban đề thi luôn tập trung vào tính công bằng, thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh. Các giáo viên ra đề được tập huấn về các mức độ của đề thi. Đề thi về cơ bản có cấu trúc 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 25% ở mức độ thông hiểu, 25% ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng nếu các cán bộ ra đề không đánh giá rõ ràng được vấn đề này, ví dụ câu ở mức thông hiểu nhưng đặt vào mức độ nhận biết là sai và khiến đề thi khó phân loại học sinh.

Thách thức gian lận công nghệ cao

Một trong những vấn đề cũng được báo chí đặc biệt quan tâm là việc phòng chống gian lận công nghệ cao khi trong kỳ thi năm nay đã có hai thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh và gửi đề thi ra bên ngoài.

Bộ GD-ĐT: Gian lận công nghệ cao vẫn là một thách thức không nhỏ ảnh 3Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục Huỳnh Văn Chương cho hay gian lận công nghệ cao vẫn là thách thức trong thời gian tới. (Ảnh: PV)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay phòng chống gian lận công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phòng từ xa qua nhiều văn bản, nhiều hoạt động tập huấn với sự vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí đưa hình mẫu trực tiếp từ Bộ Công an.

“Tuy nhiên, kỳ thi với quy mô lớn hàng triệu thí sinh, diễn ra trên cả nước, vẫn có trường hợp cá biệt xảy ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, đã chia sẻ kịp thời với Bộ Công an, tiếp tục nghiên cứu có thêm các phương án phòng chống gian lận công nghệ cao” ông Chương cho hay.

Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, gian lận công nghệ cao sẽ vẫn là vấn đề thách thức trong thời gian tới.

Đánh giá chung về kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 nhận định công tác coi thi tốt nghiệp đến thời điểm này được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế. Tuy nhiên, việc kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm quy chế, hai trường hợp phán tán đề ra ngoài  cho thấy tính chất phức tạp của Kỳ thi với hơn 1 triệu thí sinh tham gia.

Chia sẻ liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đây là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, Kỳ thi năm nay tiếp tục có những đổi mới từ quy trình ra đề đến lựa chọn cán bộ. Thành viên tham gia Ban Đề thi được lựa chọn là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng lực, bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cân đối vùng miền và các giảng viên đại học. Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

“Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục