Bỏ điểm kiểm tra một tiết: Giảm áp lực, nhưng còn nhiều băn khoăn

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ điểm kiểm tra một tiết với học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ giảm áp lực cho học sinh nhưng có giảm luôn động lực học tập của các em?
Bỏ điểm kiểm tra một tiết: Giảm áp lực, nhưng còn nhiều băn khoăn ảnh 1Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết? (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo dự thảo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh chỉ có hai điểm số giữa và cuối kỳ, không còn các điểm kiểm tra một tiết, 15 phút... như trước đây. Dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều với nhiều băn khoăn của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Sẽ giảm áp lực cho học sinh

Cảm thấy “thở phào” với dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chia sẻ của nhiều học sinh. Các em cho rằng việc không phải làm các bài kiểm tra sẽ giúp giảm bớt áp lực học tập.

Theo em Đặng Linh Chi, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Hà Nội, hiện có quá nhiều bài kiểm tra trong năm học. “Em nghĩ chỉ cần hai bài kiểm tra cũng có thể đánh giá được năng lực của học sinh, không nhất thiết phải có ba bài,” Chi chia sẻ.

Đây cũng là ý kiến của em Phan Thị Ý Nhi, Trường Trung học cơ sở Phương Mai, Hà Nội: “Em nghĩ bỏ bớt là hợp lý, chúng em sẽ bớt áp lực hơn.”

Nhìn ở góc độ giáo viên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây là việc nên làm. Từ thực tiễn công việc, cô Thảo cho hay các bài kiểm tra một tiết chỉ tập trung kiểm tra tri thức trong một số bài nhất định. “Tôi ủng hộ việc bỏ bài kiểm tra này để giảm bớt áp lực cho học sinh. Điểm kiểm tra một tiết chỉ là một thủ tục hành chính trong việc đánh giá, không có vai trò quyết định. Thay vì có ba cột điểm thì có hai cột điểm giữa và cuối kỳ, giống như ở bậc đại học. Vấn đề là chúng ta muốn đánh giá những gì thì chúng ta quy hoạch bài kiểm tra theo mục tiêu đặt ra,” cô Thảo chia sẻ.

Cô Thảo cho rằng, bên cạnh việc giảm bớt kiểm tra, cần mở rộng phạm vi đánh giá học sinh, chú trọng đánh giá về kỹ năng và năng lực thực thụ dựa trên bài thu hoạch hoặc các sản phẩm, dự án. Đánh giá này có thể đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh, bao gồm cả tri thức, kỹ năng.

[Những điểm mới trong Dự thảo thông tư xếp loại học sinh tiểu học]

Tuy nhiên, theo cô Thảo, để làm cho tốt và đánh giá đúng năng lực, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực và phương pháp giáo dục, định hướng, chỉ dẫn và có thang điểm phù hợp dựa trên các tiêu chí để tránh tình trạng đánh giá không đúng năng lực của học sinh. Điều này đòi hỏi các trường cần có công tác bồi dưỡng giáo viên, đặt ra các khung tiêu chí sao cho phù hợp với đặc thù môn học và kỹ năng đạt được. “Điều này đóng vai trò quan trọng. Vì thế, các nhà quản lý giáo dục cần lưu tâm vấn đề này,” cô Thảo nói.

Cùng quan điểm này, cô Trần Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đền Lừ, Hà Nội cho hay: “Trong một kỳ có hai bài kiểm tra cộng với đánh giá quá trình học nữa, tôi nghĩ cũng phù hợp."

Bỏ điểm kiểm tra một tiết: Giảm áp lực, nhưng còn nhiều băn khoăn ảnh 2Giờ học của cô và trò trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có giảm luôn động lực?

Thừa nhận việc bớt bài kiểm tra sẽ giảm áp lực cho học sinh, nhưng nhiều giáo viên vẫn không khỏi băn khoăn điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của các em khi giảm áp lực cũng giảm luôn động lực học tập.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mỹ (Trung học Phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội), mỗi điểm số có một trọng lực riêng, việc kiểm tra 15 phút hay một tiết sẽ giúp học sinh có động lực thường xuyên hơn trong quá trình học tập. Nếu chỉ dồn vào hai bài kiểm tra giữa và cuối kỳ, học sinh sẽ không nỗ lực trong suốt quá trình học mà chỉ tập trung học trước khi thi, việc đánh giá theo đó cũng bớt khách quan.

Cũng theo các giáo viên, việc đánh giá học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông chủ yếu dựa vào các đầu điểm, việc dựa vào đánh giá khá khó khăn khi giáo viên dạy theo từng môn và dạy nhiều lớp, không giống tiểu học là một giáo viên dạy tất cả các môn. Do đó, giáo viên thậm chí có thể không nhớ hết được học sinh mình dạy ở các lớp.

Ở góc độ quản lý, lãnh đạo một số trường cho rằng không nên bỏ điểm một tiết vì đây không chỉ là cách đánh giá của giáo viên với quá trình học của học sinh mà còn là cơ sở để trường đánh giá quá trình dạy của giáo viên. Từ đó sẽ có những điều chỉnh nếu cần thiết. “Qua việc kiểm tra có thể đánh giá được việc giảng dạy của thầy cô và việc học tập của học sinh. Tôi cho rằng nếu có biện pháp tốt hơn thì loại bỏ, nếu không có biện pháp tốt hơn thì nên duy trì,” thầy thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội, nói.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của công luận về vấn đề này nói riêng cũng như toàn bộ dự thảo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước khi ban hành chính thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục