Bồ Đào Nha tiến gần việc rút khỏi chương trình cứu trợ

Bồ Đào Nha tiến gần việc rút khỏi chương trình cứu trợ

Bồ Đào Nha tiến gần việc rút khỏi chương trình cho vay cứu trợ quốc tế sau khi thâm hụt ngân sách năm 2013 đã giảm xuống 4,9% GDP.
Bồ Đào Nha tiến gần việc rút khỏi chương trình cứu trợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ekathimerini.com)

Bồ Đào Nha tiến thêm một bước dài nữa hướng tới việc thoát khỏi chương trình cho vay cứu trợ quốc tế cũng như khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, sau khi số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Bồ Đào Nha (Ine) công bố ngày 31/3 cho thấy thâm hụt ngân sách đã giảm đáng kể trong năm 2013.

Mặc dù vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ, song Bồ Đào Nha đã ra khỏi suy thoái cũng như xoa dịu được cơn giận dữ của dân chúng sau khi tiến hành một loạt các biện pháp khắc khổ. Bồ Đào Nha đã giảm thâm hụt ngân sách năm 2013 xuống tương đương 4,9% GDP, bước tiến lớn so với mức thâm hụt 6,4% trong năm 2012 và vượt mục tiêu 5,5% GDP mà chính phủ Bồ Đào Nha và các chủ nợ đã đề ra.

Số liệu của Ine trùng khớp với tính toán của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat); số liệu này đã tính đến cả số tiền 700 triệu euro dùng để tái cấp vốn cho ngân hàng Banif.

Giới phân tích cho rằng nếu không cộng cả khoản tiền này, thâm hụt ngân sách Bồ Đào Nha năm 2013 có thể đã giảm xuống 4,5% GDP.

Tuy nhiên, nợ công tích tụ từ các khoản thâm hụt trước đây đã tăng lên tương đương 129% GDP trong năm 2013, so với 124,1% GDP năm 2012. Theo Ine, nợ công của Bồ Đào Nha hiện lên tới 213,63 tỷ euro.

Dẫu vậy, thành tích về giảm thâm hụt ngân sách nói trên vẫn là sự khích lệ lớn dành cho chính phủ Bồ Đào Nha và sự đảm bảo không nhỏ cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho việc tự huy động nguồn tài chính từ thị trường trái phiếu.

Kinh tế Bồ Đào Nha và chi tiêu tiêu dùng đã bắt đầu phục hồi từ cuối năm ngoái. Trong 6 tháng cuối năm 2013, kinh tế Bồ Đào Nha đã thoát khỏi suy thoái và đạt mức tăng trưởng 1,1%. Điều này cũng góp phần cải thiện tình hình tài chính công, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh lên đã giúp tăng thu nhập cá nhân và giảm chi phí.

Đến cuối tháng 2/2014, bộ ba chủ nợ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tán dương những tiến bộ mà Bồ Đào Nha đạt được trong việc đáp ứng các điều kiện để nhận được các khoản cho vay cứu trợ.

Tuy nhiên, trước khi nhận khoản giải ngân tiếp theo trị giá 2,5 tỷ euro, chính phủ nước này cần phải đưa ra được các biện pháp để đảm bảo giảm thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP trong năm 2014 và 2,5% GDP năm 2015.

Nhằm tránh nguy cơ phá sản, Bồ Đào Nha hồi tháng 5/2011 đã tiếp nhận gói cho vay cứu trợ trị giá 78 tỷ euro của bộ ba chủ nợ quốc tế, với điều kiện phải thực hiện chương trình cải cách cơ cấu sâu rộng để cải thiện tình hình tài chính công và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục